
Mới 36 tuổi, chị có một cơ ngơi bề thế và được mọi người trong thôn quý mến, tin tưởng, phong “già làng”. Chị là Đinh Thị Ngát – người phụ nữ H’re uy tín ở xóm Nham, thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Chị Định Thị Ngát
Chị Ngát sinh ra trong một gia đình đông anh em, khi lập gia đình, gia đình chồng cũng đông anh em, nên cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Đến năm 2001 gia đình chị Ngát vẫn nằm trong số hộ đói. Thế nhưng bằng sự tìm tòi, học hỏi và hay làm, thấy các địa phương khác phát triển cây keo lai cho hiệu quả kinh tế cao. Hai vợ chồng chị lên núi khai hoang, vỡ hóa đồi núi trọc để trồng keo. Có đất rồi nhưng trồng keo phải có vốn, trong khi gia đình không đủ ăn.
Bài toán khó này đã dần hé mở khi Nhà nước có chính sách cho vay vốn trồng rừng, thế là chị liền làm thủ tục vay vốn để trồng keo. Lúc đầu chỉ trồng vài ba héc ta, sau đó, thấy cây keo phát triển nhanh, chị đã tích cóp tiền và vay mượn người thân để mở rộng diện tích trồng keo. Đến nay, gia đình chị có gần 20ha keo lai. Trong số diện tích keo này, chị Ngát đã thu hoạch được một phần ba lứa keo đầu tiên, đem về thu nhập cho gia đình hơn 500 triệu đồng.
Chị Đinh Thị Ngát cho biết: Năm 2001, nhờ Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng nên mình đã mạnh dạn nhận đất để trồng keo lai. Thời gian đầu cũng còn nhiều khó khăn lắm, thiếu vốn đầu tư. Thế nhưng, gia đình mình đã khắc phục bằng cách lấy ngắn nuôi dài, nuôi heo, trồng mì gối đầu để có tiền trồng keo.
Thấy trong xóm mình còn nhiều gia đình khó khăn, chị Ngát đã chia sẻ với bà con áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nếu như trước đây, cây mía, cây mì được trồng ngay trên đỉnh cao, độ dốc lớn không đem lại hiệu quả thì nay được thay thế bằng cây keo lai và chỉ trồng mía, mì dưới vùng thấp, thuận tiện việc chăm sóc. Chính sự phân bổ cây trồng hợp lý này của chị Ngát nên được người dân ở đây áp dụng đạt hiệu quả.
Hay như trong chăn nuôi, chị đã đưa chủ trương trồng cỏ voi nuôi bò, đến việc mỗi khi thu hoạch lúa, người dân đã biết cách dự trữ rạ để làm thức ăn cho bò vào mùa mưa. Trước kết quả của gia đình chị Ngát, bà con trong xóm, rồi trong thôn bắt đầu tin tưởng. Mới đầu một vài hộ, sau đó các hộ còn lại trong xóm chung tay cùng làm. Đến nay, trong số 78 hộ gia đình ở xóm Nham phần lớn là đồng bào dân tộc H’re thì chỉ còn 8 hộ thuộc diện nghèo, chủ yếu nằm trong diện mới tách hộ. Vùng núi xóm Nham giờ xanh ngát của rừng keo lai.
Trước đây, mình không dám vay vốn nhưng nhờ chị Ngát chỉ bảo cách vay và cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả để nuôi heo, nuôi bò, trồng keo nên cuộc sống gia đình mình ổn định hơn trước rất nhiều - chị Đinh Thị Óp cùng xóm với chị Ngát cho biết. Rồi chị Óp chỉ tay về phía chuồng bò của mình có gần chục con bò đang ăn cỏ voi.
Không chỉ phát triển kinh tế, chị Ngát cũng là người đi tiên phong trong việc thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình. Sau khi sinh được 2 cháu, áp dụng các biện pháp tránh thai khác không an toàn nên chị đã sinh thêm một cháu. Vào năm 2002, chị Ngát đã quyết định tiên phong đi kế hoạch hóa gia đình bằng đình sản. Ít con, kinh tế ổn định, chị Ngát có điều kiện chăm sóc gia đình, các con chị đều là học sinh khá, giỏi.
Chị Ngát tâm sự: Trước đây cha mẹ mình nghèo cũng vì sinh con đông. Mình muốn các con lớn lên không phải chịu khổ như mình nên phải sinh ít con. Ngoài thời gian lao động, chị Ngát dành thời gian đi đến từng gia đình trong xóm thăm hỏi, giúp vốn để chị em sản xuất. Đồng thời vận động và khuyên nhủ các cặp vợ chồng trẻ thực hiện tốt chính sách dân số. Chính vì thế ở đây hiếm có gia đình nào sinh con thứ 3 và đều được đi học đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng.
Khi được hỏi vì sao chị Ngát trẻ tuổi như thế mà ai cũng tin tưởng thì hầu hết người dân trong xóm cho rằng: Ngát nói được, làm được và biết gần gũi với mọi người. Cái bụng nó thật thà chỉ muốn làm điều tốt cho dân bản.
Chính những điều chị Ngát đã làm, năm 2008 chị được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen vì có thành tích trong việc xây dựng khu dân cư đoàn kết, góp phần quan trọng trong việc vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa phương giàu đẹp.
Chúng tôi rời xóm Nham vào chiều mưa. Bùn đất không dính vào chân khách bởi con đường dẫn vào xóm được trải nhựa bê tông phẳng lì. Thấp thoáng xa, cả xóm lên đèn, ẩn mình trong màn sương. Xóm Nham đang từng ngày thay da đổi thịt. Có lẽ công này thuộc về chị Ngát – “già làng” 36 tuổi.
Phụng Giao