Giá thuốc tăng: Cơ hội chữa bệnh của người nghèo càng xa

Đọc bài viết “Công tác quản lý giá thuốc - Nhiều “khuyết tật”, đăng trên Báo SGGP số ra ngày 12-11, ai nấy đều cảm thấy ngậm ngùi, thương thay cho những thân phận nghèo bị bệnh thời “bão giá”. Hệ quả của cung cách quản lý theo kiểu được chăng hay chớ của cơ quan chức năng đã tiếp tay cho giá thuốc tăng một cách lạnh lùng, vô cảm trước sự sống còn của người bệnh.

Câu chuyện giá thuốc tăng bất thường, giá thuốc bị làm giá bất chấp đạo đức, lách luật đã được báo chí đề cập từ nhiều năm qua. Đúng như bài báo đã phản ánh, trách nhiệm quản lý và sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh sai phạm thì vẫn chậm chạp, bình chân như vại và những phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Khi giá thuốc tăng, dư luận đặt vấn đề thì Cục Quản lý giá (thuộc Bộ Tài chính) lại đẩy trách nhiệm sang Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Vậy khi Cục Quản lý dược được trao nhiệm vụ kìm cương giá thuốc nhưng không làm tròn nhiệm vụ, chẳng lẽ vô can?

Còn nữa, công tác dự trữ lưu thông thuốc quốc gia ở đâu mà lờ đi nhiệm vụ bình ổn giá thuốc như Chính phủ đã giao trọng trách quan trọng này? Rõ ràng công tác quản lý thuốc chẳng những bị “tê liệt” mà còn bị vô hiệu hóa bởi cái vòi bạch tuộc sản xuất - nhập khẩu - phân phối thuốc. Sự bắt tay thiếu đạo đức, coi trọng lợi nhuận của các công ty sản xuất lẫn nhập khẩu và mạng lưới phân phối bán lẻ, trong đó có sự tiếp tay đắc lực của khâu trung gian gồm đại lý thuốc, trình dược viên, bác sĩ kê toa… đã mờ mắt nhận tiền hoa hồng nên góp phần đẩy giá thuốc cao gấp nhiều lần.

Thật không thể tin được là người dân thuộc một nước nghèo - thu nhập bình quân mới đạt ngưỡng 1.000 USD/năm mà lại phải chi tiền thuốc chữa bệnh bằng với giá thuốc ở các nước phát triển - thu nhập bình quân đạt trên dưới 20.000 USD/năm. Có đến nơi người bệnh phải đối mặt với những bệnh hiểm nghèo, nan y như ung thư, tim mạch, thần kinh, thận mãn tính… mới thấy hết sự bất lực của người nghèo khi phải bán sạch tài sản để chữa bệnh, hoặc vét túi để mua những viên thuốc đặc trị đắt tiền vượt quá khả năng của họ.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, người nghèo sẽ càng nghèo hơn khi họ bị bệnh, nhất là mắc phải những bệnh hiểm nghèo, nan y. Bởi lẽ, vì thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu nên phần đông người nghèo khi lâm bệnh đều ở giai đoạn cuối của bệnh tật. Vì thế, họ phải đánh đổi cả cơ ngơi, nhà cửa, tiền dành dụm khi phải chi số tiền rất lớn để mua thuốc, cứu mạng sống của mình. Ngay cả với những người có thu nhập trung bình, nếu bị bệnh cũng phải chi số tiền lớn để chữa bệnh và họ dễ rơi vào danh sách cận nghèo hoặc nghèo hẳn.

Việc kiểm soát, kìm cương giá thuốc là việc làm cấp bách, thể hiện tính nhân văn của chế độ ta. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải vào cuộc và sớm có biện pháp quản lý giá thuốc cho phù hợp, ngăn chặn những “bàn tay bẩn”, những kiểu kinh doanh bất chấp đạo đức, coi thường pháp luật - đẩy giá thuốc lên cao hơn giá thực tế quá xa.

HOÀNG ANH (TPHCM)

>> “Công tác quản lý giá thuốc - Nhiều “khuyết tật”

Tin cùng chuyên mục