Giá trị của giải thưởng

Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 diễn ra liên tục trong hơn nửa tháng tại TPHCM vừa khép lại với quá nhiều sự ngỡ ngàng về kết quả.

Liên hoan đã đổ một “cơn mưa giải thưởng” xuống đêm trao giải khi có 20 đơn vị dự thi với 26 vở diễn nhưng có đến 124 huy chương (vàng, bạc, đồng) dành cho diễn viên, vở diễn. Bên cạnh đó còn có giải thưởng dành cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ sân khấu, diễn viên nhỏ tuổi, nhà thiết kế. Trong 19 vở đoạt huy chương gồm 6 vàng, 5 bạc, 8 đồng, có những cái tên khi được xướng lên sân khấu nhận giải, người trong nghề, giới chuyên môn và khán giả theo dõi suốt liên hoan đều ngạc nhiên.

Người dõi theo suốt kỳ liên hoan cảm thấy tiếc cho vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung (đạo diễn: Hoàng Tấn, Nhà hát Kịch TPHCM), Sài Gòn có một ngã tư (đạo diễn: Ái Như, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh), Công lý như mặt trời (đạo diễn: Chánh Trực, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B)… là những tác phẩm hội đủ chất lượng, từ nội dung đến dàn dựng lại không nhận được giải thưởng xứng đáng. Trong khi đó, một số vở kịch đoạt giải lại từng bị người xem chê nhiều hơn khen vì cách dàn dựng cũ kỹ, thiếu sức hút, nhịp diễn ì ạch, mạch kịch lỏng lẻo, thậm chí nhiều “sạn”.

Cảnh trong vở "Cuộc hành trình tìm bức chân dung"
Về giải thưởng dành cho diễn viên, có 40 huy chương vàng, 46 bạc, 19 đồng gần như được rải đều cho diễn viên các vở của đơn vị công lập, xã hội hóa chuyên nghiệp và xã hội hóa nghiệp dư. Có diễn viên đảm nhận vai nhưng không làm bật lên được tính cách, tâm lý cần thiết của nhân vật nhưng vẫn “rinh” giải thưởng. Có trường hợp diễn viên M.B. từng ngồi tù, có vấn đề về nhân cách đạo đức, bị xã hội lên án vẫn tham gia cuộc thi và đoạt huy chương bạc cho vai diễn…

Từ kết quả có được, tại liên hoan lần này cũng cho thấy sự đánh đồng vô hình giữa nghệ thuật chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và nghiệp dư của cuộc chơi khi trao giải thưởng cho các vở và cá nhân chưa thật sự xứng đáng. Vở chưa hay, không có sự nổi trội đặc biệt của đơn vị không chuyên được đánh giá ngang hàng và vượt mặt cả những vở kịch chuyên nghiệp, chất lượng cao. Diễn viên tay ngang, không có nghề, diễn xuất yếu được nhận giải như diễn viên giỏi nghề.

Dẫu biết rằng, hiện tại lĩnh vực sân khấu gặp rất nhiều khó khăn, việc có được lực lượng hùng hậu các đơn vị nghệ thuật, diễn viên tham gia liên hoan là điều nên mừng nhưng khi khởi xướng một liên hoan nghệ thuật, ban tổ chức vẫn cần xác định rõ ranh giới của nghệ thuật chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Cũng sau cuộc chơi, nhìn vào thực tiễn hoạt động sân khấu kịch nói ở thành phố, vẫn chỉ có vài sàn diễn chuyên nghiệp phát huy tài năng của lực lượng làm nghề chuyên nghiệp. Những huy chương họ nhận từ liên hoan sẽ giữ được giá trị đúng chất của tấm huy chương, đó cũng chính là động lực lớn cho nghề, giúp họ thêm lửa nghề để tiếp tục cống hiến.
Ở một góc cảm nhận khác, giá trị của tấm huy chương cũng không phải bất biến. Điều được xem là bất biến mà người nghệ sĩ chân chính cần vươn tới chính là tài năng thật sự và được khán giả công nhận. Giải thưởng đó không phải bất cứ ai làm nghệ thuật cũng có được, đạt được và giữ được.

Tin cùng chuyên mục