Mới có hiệu lực 2 tuần nhưng Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT quy định cách đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay vì cho điểm đang trở thành tâm điểm gây ồn ào, lo lắng. Làm quen với cách đánh giá mới bằng định tính, không ít giáo viên lạ lẫm, bối rối, thậm chí than khổ, than cực vì phải thay đổi thói quen cũ là chấm điểm, xếp hạng. Không những thế, yêu cầu làm sổ sách, báo cáo cũng gây áp lực nặng nề. Cứ tưởng hướng dẫn chi tiết của Bộ sẽ dễ làm, nhưng bước vào cuộc, giáo viên nào cũng thấy vướng, thấy khó. Với sĩ số lớp học quá đông, trên dưới 50 em, từ giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn đều cảm thấy “gánh nặng” trong nhận xét kết quả học tập của học sinh.
Để có lời nhận xét đa dạng, họ phải đối phó bằng cách đặt làm con dấu khắc lời phê với hai từ đến bốn năm từ hoặc nhận xét bằng chữ rất chung chung. Ngay cả việc áp dụng quy ước giáo dục quốc tế với hình mặt cười và mặt buồn cũng khiến giáo viên lúng túng, còn học sinh thì ngơ ngác không hiểu đúng ý nghĩa của nó. Vì thế, mới có chuyện khôi hài là học trò năn nỉ “cô ơi cho con xin điểm số?”. Về phía phụ huynh, vốn quen với những điểm số đỏ chói trên tập vở của con cái cũng dao động, hoang mang trước những lời nhận xét chung chung, máy móc, thậm chí vô hồn của giáo viên.
Không thể phủ nhận sự tiến bộ, bắt nhịp xu thế giáo dục tiên tiến của Thông tư 30 về việc thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, họ đều áp dụng hình thức này từ lâu. Tuy nhiên, cách làm của họ bài bản, có sự chuẩn bị chu đáo, còn ở ta, mới khởi động đã phát sinh nhiều bất cập, nếu không muốn nói là thiếu nền tảng và vênh đủ thứ. Để học sinh thực sự được “cởi trói” về điểm số, không bị áp lực học hành đè nặng thì Bộ GD-ĐT phải rà soát, điều chỉnh những bất cập, vướng mắc mới phát sinh từ thực tiễn. Theo đó, phải hướng dẫn cách tổ chức thực hiện khoa học, phù hợp với từng khối lớp, bộ môn.
Đối với giáo viên, ngoài giảm bớt áp lực về sổ sách, thực hiện các mệnh lệnh hành chính, phong trào thi đua, hãy trao quyền chủ động để họ tự tìm ra hình thức nhận xét học sinh phù hợp. Nếu thực sự yêu thương học trò và hiểu rõ cá tính, năng lực, sở trường của từng em thì chắc chắn thầy cô sẽ đưa ra lời nhận xét chuẩn xác. Đôi khi chỉ cần một ánh mắt sẻ chia, một lời động viên kịp thời, một lời nhận xét công tâm cũng khiến các em cảm thấy mình là “vũ trụ”, mình được quan tâm. Như thế những lời nhận xét bằng tình thương yêu thực sự của thầy cô sẽ có giá trị lan tỏa cao nhất.
Ngược lại, dù có đưa ra nhiều lời khen - chê chung chung hoặc sáo rỗng thì chẳng giúp học trò biết rõ mình đang đứng ở đâu, điểm yếu nào để vươn lên, cố gắng học tốt hơn. Như thế, khen hay chê là cả một nghệ thuật và ở lứa tuổi còn nhỏ, chưa bộc lộ hết năng lực cá thể, nhận thức còn non nớt, các em rất cần những lời động viên, khích lệ phù hợp.
Rõ ràng, thay đổi cách đánh giá học sinh là một bước tiến bộ và đây là thử thách không dễ dàng đối với nhiều giáo viên. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nếu thầy cô thiếu công tâm và khách quan trong nhận xét, đánh giá kết quả học tập dễ làm học sinh “mất lửa”, thậm chí chán học.
Về phía phụ huynh, thay vì có thói quen dò hỏi con mình “hôm nay có được điểm 10 không?” nên làm quen với những câu hỏi mới như “con đi học có vui không, có điều gì mới lạ ở lớp…?”. Một khi phụ huynh hiểu rõ lợi ích của cách đánh giá mới này họ sẽ hợp tác và không đòi hỏi giáo viên phải cho điểm hoặc cho thêm bài tập về nhà.
Cái gì mới cũng gây bỡ ngỡ và bối rối, đòi hỏi sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội. Nếu cứ than vãn và không chịu động não, thay đổi tư duy thì rất khó bắt đầu sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, để tạo nền tảng vững chắc cho việc nhận xét đánh giá kết quả học tập của học sinh, rất cần sự thay đổi đồng bộ từ khâu quản lý giáo dục đến chương trình, sách giáo khoa và đào tạo giáo viên. Khi môi trường giáo dục chưa được cải thiện đúng nghĩa và bệnh hình thức, bệnh thành tích vẫn chưa có chuyển biến thì việc đổi mới đánh giá học sinh e rằng sẽ rơi vào hình thức hoặc nửa vời.
KHÁNH BÌNH