Nhu cầu về công chứng, chứng thực ngày càng cao, nhằm đảm bảo tính chính xác, an toàn của các bên khi tham gia các giao dịch, cũng như thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Hiểu rõ các quy định về công chứng, chứng thực, người dân sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí thực hiện.
Thế nào là công chứng và chứng thực?
Luật Công chứng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Điều 2 Luật Công chứng quy định: Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Còn về chứng thực, Nghị định 79/2007/NĐ-CP đưa ra 2 khái niệm là: Chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký, theo đó, chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính; còn chứng thực chữ ký là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực.
Như vậy, khác với quy định về chứng thực, thủ tục công chứng trong một số trường hợp pháp luật buộc các bên phải tiến hành công chứng theo quy định trước khi tiến hành giao dịch. Hiện nay, các giao dịch, hợp đồng bắt buộc phải công chứng được quy định rải rác từ các luật chuyên ngành, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách có hệ thống. Tuy nhiên, căn cứ vào luật thực định, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là các loại tài sản, kể cả quyền sử dụng đất mà có liên quan đến việc đăng ký quyền sở hữu thì đều bắt buộc phải công chứng. Ví dụ: hợp đồng mua bán nhà ở (trừ trường hợp bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở); hợp đồng thuê nhà từ 6 tháng trở lên; hợp đồng thế chấp nhà ở; hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, quyền sử dụng đất…
Thực hiện công chứng, chứng thực
Thủ tục công chứng sẽ do phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng thực hiện tùy theo sự lựa chọn của người yêu cầu công chứng, trừ một số trường hợp nơi công chứng được ấn định theo quy định của pháp luật. Còn thủ tục chứng thực sẽ do cơ quan hành chính nhà nước - bất kỳ UBND cấp xã (đối với các tài liệu bằng tiếng Việt…), UBND cấp huyện (đối với các tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài…) thực hiện mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Văn bản công chứng có giá trị thi hành đối với các bên có liên quan, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Ngoài ra, văn bản công chứng còn có giá trị được xem như là chứng cứ chứng minh khi xảy ra tranh chấp. Thậm chí trong một số trường hợp, việc thực hiện công chứng được xem là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, điều này có nghĩa là nếu các bên không thực hiện công chứng theo quy định thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu về mặt hình thức dẫn đến có thể các bên phải chấm dứt hợp đồng, và bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại theo quy định pháp luật về dân sự. Đây cũng chính là điểm khác biệt nổi bật so với quy định của thủ tục chứng thực bởi vì theo quy định về chứng thực thì thủ tục chứng thực không phải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện, việc thực hiện này được tiến hành dựa trên yêu cầu của bên có nhu cầu chứng thực và lúc này bản sao được chứng thực từ bản chính sẽ có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch; chữ ký được chứng thực chỉ có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)