(SGGP). – Ngày 18-1, Sở Tài chính phối hợp với Sở Công thương TPHCM đã họp báo về tình hình, diễn biến giá trứng gia cầm trong thời gian qua và khả năng cung cầu, giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, chủ trì cuộc họp cho biết, sau hơn 1 tuần xảy ra tình trạng tăng giá đột biến mặt hàng trứng gia cầm, gây xáo trộn thị trường, đến ngày 18-1, giá bán trứng gia cầm trên địa bàn TP dần ổn định, trở về gần bằng mức giá trước đó. Nguồn cung trứng gia cầm cho thị trường vẫn rất dồi dào. Các DN tăng giá bất hợp lý trong thời gian qua đã thực hiện giảm giá bán theo đúng cam kết.
Kể từ ngày 18-1, Công ty CP đã giảm giá trứng nguyên liệu xuống còn 2.100 đồng/trứng, thấp hơn thời điểm trước khi tăng giá là 50 đồng/trứng; Công ty Emivest giảm giá bán còn 2.020 đồng/trứng. Các công ty cũng cam kết ổn định mức giá này từ nay cho đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Riêng đối với trứng trong chương trình bình ổn giá vẫn ổn định ở mức 23.500 đồng/chục đối với trứng gà và 30.500 đồng/chục đối với trứng vịt. TPHCM sẽ không áp dụng các biện pháp cấp bách đối với giá trứng gia cầm, kể từ ngày 18-1.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về biện pháp xử lý đối với các DN tăng giá bất hợp lý vừa qua, bà Đào Thị Hương Lan khẳng định, việc tự ý tăng giá bất hợp lý của Công ty CP và Công ty Emivest là trái pháp luật. Đối với trường hợp của Công ty CP, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) sẽ vào cuộc để xác định lại thị phần của DN này tại thị trường TPHCM, từ đó đưa ra biện pháp xử lý thích hợp. Trước mắt, ngay trong tuần tới, tổ công tác liên ngành về bình ổn giá của TP cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của Đồng Nai và Bình Dương cùng bàn bạc để tiến hành kiểm tra về doanh thu, chi phí trong thời gian tăng giá bán bất hợp lý, buộc 2 DN này phải có nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Liên quan đến việc Công ty CP phát hành thông cáo báo chí khẳng định thị phần trứng gà của CP hiện tại chỉ chiếm 16% trong cả nước, trong khi thông tin mà các sở, ngành TPHCM đưa ra là 30%, bà Lan cho biết, 16% hay 30% thì các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để làm rõ. Chiếu theo Luật Cạnh tranh, đối với các DN chiếm 30% thị phần nếu có hành vi điều chỉnh giá bất hợp lý, gây xáo trộn thị trường sẽ phải chịu mức phạt nặng nhất là tước giấy phép kinh doanh.
Là người theo dõi về khả năng cung - cầu và giá cả hàng hóa, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng việc tăng giá mặt hàng trứng gia cầm trong thời gian qua đã khiến cho sức mua tại các siêu thị và các điểm bán bình ổn giá tăng đột biến và có hiện tượng thu gom. Các siêu thị phải áp dụng biện pháp hạn chế mỗi khách khách hàng chỉ mua tối đa từ 1-2 vỉ trứng/ngày. Trước tình hình trên, các sở, ngành chỉ đạo các DN sản xuất tập trung, tăng cường lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối bình ổn thị trường. Đặc biệt, các siêu thị trên địa bàn đã chia sẻ khó khăn với nhà cung cấp bằng cách không nhận chiết khấu mặt hàng này để giữ ổn định giá bán.
Mặt khác, TPHCM phối hợp với sở, ngành các tỉnh và Hiệp hội Chăn nuôi, gia súc, gia cầm Đồng Nai để nắm chắc lại tình hình cung cầu, từ đó tổ chức đoàn công tác làm việc với 2 DN là Công ty CP và Công ty Emivest là các DN sản xuất và cung ứng số lượng lớn mặt hàng trứng gia cầm để làm rõ nguyên nhân tăng giá. Tại buổi làm việc, 2 DN này không chứng minh được lý do tăng giá và thừa nhận hành vi tăng giá là bất hợp lý, đồng phải thừa nhận việc nâng giá là bất hợp lý, đồng thời cam kết thực hiện các yêu cầu của đoàn công tác về việc điều chỉnh và ổn định giá trứng.
Từ nay đến tết, TPHCM sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát nguồn hàng và giá cả trên địa bàn, đảm bảo cho người dân TP có điều kiện mua sắm hàng hóa, hưởng một năm mới vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
TH.H.