Tại sao chỉ nhắm vào một mình ngành vận tải? Đại diện Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải ở TPHCM bắt đầu bằng một câu hỏi như vậy khi nói về có hay không trách nhiệm của các đơn vị vận tải phải giảm cước vận tải khi giá nhiên liệu giảm.
Người đại diện này lý giải, để hình thành giá cước vận tải có đến 12-15 loại chi phí cần tính toán. Lương, thưởng cho tài xế, phụ xe, giá xăng dầu, phí cầu đường, khấu hao… Hầu hết những khoản phí này đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận khi đơn vị vận tải thực hiện công tác báo giá cước. Đó là chưa kể những chi phí mà đơn vị vận tải không thể liệt kê…
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa bằng ô tô TPHCM cho rằng, thời gian gần đây giá nhiên liệu giảm nhưng lương công nhân, phí đường bộ, giá cả một số phụ tùng liên quan đến hoạt động vận tải lại tăng giá. Một đầu chi phí giảm nhưng nhiều đầu chi phí khác tăng, tính chung, làm sao nhà xe có thể giảm giá cước vận tải? Cũng theo ông Lương Hoàng Trung, doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng ô tô tăng hay giảm giá cước tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp vận tải và chủ hàng. Thông thường, hai bên sẽ thống nhất điều chỉnh giá cước khi giá nhiên liệu tăng hoặc giảm 5% so với mức giá khi hai bên ký hợp đồng vận tải.
Vận tải hàng hóa bằng ô tô ở TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung có một vai trò rất quan trọng trong hoạt động lưu thông hàng hóa của đất nước. Theo Bộ GTVT, hoạt động vận tải hàng hóa bằng ô tô đang chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ hoạt động vải tải hàng hóa nói chung. Thời gian qua Bộ GTVT đang phải cố gắng điều chỉnh sự mất cân đối này theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng hóa được vận chuyển bằng các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không. Thế nhưng, trong khi chờ Bộ GTVT tạo được thế cạnh tranh mạnh mẽ giữa các loại hình vận tải, buộc hoạt động vận tải hàng hóa bằng ô tô phải chiết giảm chi phí hơn nữa thì cách nghĩ nêu trên của các đơn vị vận tải vẫn là một trong những nguyên nhân làm cho giá cước vận tải chưa thể giảm sâu khi giá xăng, dầu giảm mạnh.
Theo Thông tư liên tịch 152, có 3 loại hình vận tải phải đăng ký giá: xe buýt, taxi và vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Về việc này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, Tổng Giám đốc Taxi Vinasun cho biết: Vinasun đang xem xét các yếu tố chi phí đầu vào để điều chỉnh giá cước. Về vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định, theo Công ty TNHH Thành Bưởi, từ ngày 10-1-2015, công ty sẽ tiến hành giám 5.000 đồng/vé. Tại Bến xe miền Đông, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc thông tin, bến hiện có 220 doanh nghiệp vận tải hoạt động. Trong các đợt giảm giá xăng dầu trước đây đã có 80 doanh nghiệp giảm giá cước từ mức 5% - 10%. Ngày 22-12 giá xăng dầu giảm sâu, bến chưa nhận được thông báo giảm giá cước của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp điều chỉnh tăng, giảm giá phải làm hồ sơ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nên nếu doanh nghiệp tiến hành điều chỉnh giảm giá cũng phải mất 10 - 15 ngày nữa mới có thể áp dụng.
Một cán bộ của Sở GTVT TPHCM cho biết, Thông tư liên tịch 152 không yêu cầu đơn vị vận tải hàng hóa bằng ô tô phải đăng ký giá cước. Do vậy, Sở GTVT chỉ có thể nhắc nhở các đơn vị vận tải điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường vai trò vận tải hàng hóa của các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường biển, đường hàng không để buộc đường bộ phải tiết giảm chi phí hơn nữa. Còn theo các lãnh đạo trong Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, khả thi nhất, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải cạnh tranh công bằng, tiết giảm được các chi phí… không thể liệt kê, để giảm hơn nữa giá cước vận tải.
NGUYỄN KHOA - ĐÌNH LÝ