Giá xăng tăng 2.100 đồng/lít

Bộ Tài chính vừa có công văn số 3033 /BTC-VP ban hành chiều ngày 7-3-2012 về tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước kể từ 16h chiều nay.

* Giá cước vận tải sẽ được điều chỉnh

(SGGPO).- Bộ Tài chính vừa có công văn số 3033 /BTC-VP ban hành chiều ngày 7-3-2012 về tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước kể từ 16h chiều nay.

Theo đó, giá xăng tăng 2.100 đồng/lít (xăng A92 từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít) và là nức tăng cao nhất trong số các mặt hàng; dầu diezen điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít (diezen 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít); Dầu hỏa điều chỉnh tăng 600 đồng/lít (dầu hỏa từ 20.200 đồng/lít lên mức 20.800 đồng/lít); Madut điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg (madut 3,5S từ 16.800 đồng/lít lên mức 18.800 đồng/kg).

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng giảm thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu về 0%. Giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) các chủng loại xăng dầu xuống bằng mức trích Quỹ Bình ổn giá (300 đồng/lít, kg). Cụ thể, xăng giảm sử dụng Quỹ bình ổn giá từ 1.400 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; diezen giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ 1.240 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; dầu hỏa giảm sử dụng Quỹ từ 780 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; Dầu mazut giảm sử dụng Quỹ từ 1.610 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.

Như vậy, đây là lần tăng giá xăng dầu đầu tiên kể từ đầu năm 2012. Trong năm 2011, giá xăng dầu trong nước có 2 lần điều chỉnh tăng vào các ngày 24-2 và 29-3 và 2 lần điều chỉnh giảm vào các ngày 26-8 và 10-10. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trước tình hình giá thế giới leo thang mức điều chỉnh này mới chỉ tương đương 12,5% - 41% mức cần điều chỉnh theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trên thị trường quốc tế, giá dầu vừa trải qua 5 tuần tăng giá liên tiếp do những căng thẳng giữa Iran và các quốc gia phương Tây. Đỉnh điểm của đợt tăng diễn ra vào tuần trước, khi giá dầu Brent lên mức cao nhất kể từ hồi tháng 7-2008, đạt mức 128 USD/thùng, sau khi truyền thông Iran phát đi một bản tin về vụ cháy đường ông dẫn dầu ở Ảrập Saudi.

Đến tuần này, thị trường dịu lại với giá dầu Brent xoay quanh 122 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng nay tại châu Á và dầu thô ở mức 105,10 USD/thùng. Tại Mỹ, giá xăng trung bình trên toàn nước này cũng đã tăng 26 ngày liên tiếp tính đến chủ nhật vừa rồi, đạt mức 3,76 USD một gallon (0,993 USD/lít), tương đương 20.720 đồng mỗi lít xăng tính theo tỷ giá ngân hàng.

Chính điều này đã tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời tạo chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp.

Để giải quyết tình hình trên, trong khi các giải pháp tài chính khác không còn: thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%) và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh giá để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu.

* Cùng ngày, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc hãng Taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho biết: “Hiệp hội đang trong giai đoạn bàn bạc để điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, với việc tăng giá xăng, dầu đợt này, trong những ngày tới các doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh tăng giá cước taxi để cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến, đợt tăng giá cước lần này sẽ cao hơn những lần tăng giá cước trước đây”. Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, nếu giá nhiên liệu tăng, chắc chắn để bù đắp chi phí vận tải các đơn vị sẽ điều chỉnh tăng giá cước. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế.

S.N - Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục