Giấc mơ phim trường

Phim trường luôn là vấn đề cấp thiết, nhưng vì nói đi nói lại bao nhiêu năm nay khiến nó trở thành bình thường, “giấc mơ phim trường cũng vẫn chỉ là giấc mơ”. Cho nên, các nhà làm phim đành phải chấp nhận “sống chung” với giấc mơ, tìm cách xoay trở theo thực tế. 

Khó trăm bề

Hơn 50% bối cảnh bộ phim Giấc mơ của mẹ được thực hiện trong một phim trường rộng hơn 2.000m2 tại huyện Nhà Bè, TPHCM do chính nhà sản xuất (NSX) Đỗ Quang Minh lên ý tưởng và thực hiện cùng ê kíp. Đây cũng là bộ phim truyền hình hiếm hoi dám “chơi lớn”, dù nói như NSX Đỗ Quang Minh, nếu lấy chi phí dành cho bối cảnh để dựng phim trường thì chắc chắn không đủ.

“Có phim trường tốt để làm phim là điều tôi ấp ủ từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Lần này, tôi chấp nhận đầu tư vì muốn bộ phim có bối cảnh tốt nhất cho đạo diễn hình ảnh (DOP) và đạo diễn khai thác, thể hiện”, NSX Đỗ Quang Minh chia sẻ.  

Giấc mơ phim trường ảnh 1 CineV Studio được đầu tư theo hướng hiện đại, đạt chuẩn để phục vụ các đoàn phim

Cách đây 3 năm, dự án web drama Bệnh viện thần ái cũng được thực hiện tại phim trường CineV Studio rộng 2.000m2 của YA Film, với 65% nội cảnh được dàn dựng công phu. Đó có lẽ là 2 bộ phim hiếm hoi mà bài toán bối cảnh đã tìm được hướng ra hợp lý. Còn lại, với hầu hết các phim từ điện ảnh, truyền hình, web drama hay sitcom, đây vẫn luôn là bài toán nan giải.  

Theo NSX Đình Hải Anh, vì kinh phí dành cho phim truyền hình thường thấp nên để có bối cảnh, các đoàn phim phải chấp nhận đi xa. Tuy nhiên, ngay cả việc di chuyển đến các tỉnh, dù bối cảnh có phần thuận lợi hơn nhưng theo NSX Hương Nguyễn (Công ty cổ phần Phim Việt), việc này cũng không đơn giản.

“Chi phí đi quay ở tỉnh sẽ đội lên nên phải tính toán từng đồng để đảm bảo không bị lỗ”, bà Hương Nguyễn cho biết. Đơn cử, như mùa phim tết vừa qua, ban đầu bối cảnh bộ phim Nhà không bán được đạo diễn Hoàng Tuấn Cường dựa trên một ngôi nhà ở Gò Công, Tiền Giang. Nhưng trong thời gian chuẩn bị quay thì căn nhà đã bị cải tạo không còn như xưa, khiến ê kíp đoàn phim vô cùng đau đầu. 

Với những bộ phim xưa, bối cảnh luôn là bài toán nan giải. Theo đạo diễn Chu Thiện, khi thực hiện phim Duyên kiếp, vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể đi xa nên anh và ê kíp đã phải cố gắng tìm những nơi mang âm hưởng sông nước, ruộng đồng để có không khí miền Tây.

Trong khi đó, vốn chuyên trị dòng phim cổ tích, đạo diễn Quách Khoa Nam cũng cho biết: “Làm phim cổ tích rất cực ở khâu này. Chúng tôi phải đi huyện Củ Chi hay Nhơn Trạch, Thác Mai (Đồng Nai)… để quay ở những nơi còn hoang sơ và đặc biệt là không có cột điện hay đường dây điện. Việc quay xa như vậy khá tốn kém chi phí vận chuyển, ăn uống”.  

Và tự lo

Dù là thị trường điện ảnh lớn nhất cả nước, nhưng phim trường vẫn là bài toán đau đầu với các nhà làm phim tại TPHCM. Bà Lê Thị Kiều Nhi, Giám đốc điều hành CineV Studio, cho hay: “Nhu cầu thị trường cần bối cảnh quay phim rất cao. Chính vì vậy, có nhiều căn nhà dân nhàn rỗi đã biến thành phim trường có tiếng trong giới làm phim. Khi đi quay phim, chỉ cần nói nhà cô A, anh B các ê kíp biết hết, nhưng tất cả đều là tạm bợ. Còn với các phim trường khác, chủ yếu khai thác dạng sân khấu hay studio dựng cảnh quay. Một số dự án về phim trường ngoại cảnh cũng được hô hào trên báo chí rồi cũng chưa đến đâu”. Được biết, giá thuê những bối cảnh như nhà dân từ 3 đến 5 triệu đồng/ngày nhưng cũng có không ít bất tiện, đặc biệt với những ngôi nhà đang có người ở, muốn thay đổi, sắp đặt gì trong nhà đều phải xin phép chủ nhà. 

Giấc mơ phim trường ảnh 2  Một cảnh trong phim Giấc mơ của mẹ. Ảnh: ĐPCC

Khi các dự án phim trường do Nhà nước đầu tư vẫn còn là đề án, các đơn vị tư nhân đã và đang nhập cuộc tích cực hơn. Bà Lê Thị Kiều Nhi thông tin, hệ thống phim trường CineV Studio hiện có 1 phim trường nhỏ diện tích 2.000m2 phù hợp với những dự án có quy mô vừa phải với đầy đủ studio, set nội cảnh. Bên cạnh đó là 1 phim trường lớn khoảng 5ha (50.000m2) với các phân khu (khu rừng nguyên sinh, khu nhà cổ, khu nhà hoang, đường phố, công viên…), bối cảnh phong phú, có thể cùng lúc 5 đoàn quay cả nội và ngoại cảnh. 

NSX Đỗ Quang Minh cũng tiết lộ, anh đang làm việc với 1 địa phương gần TPHCM để xây dựng một phim trường quy mô, có thể quay được phim cổ trang với phần ngoại cảnh lớn. “Đất dĩ nhiên là yếu tố cần, nhưng để phim trường thành hiện thực, cần đội ngũ nhân sự am hiểu”, NSX Đỗ Quang Minh tâm sự. Đồng quan điểm, bà Lê Thị Kiều Nhi cho biết, nhân sự là bài toán nan giải với CineV Studio bởi thực tế, vẫn còn khoảng trống trong đào tạo nhân sự liên quan đến lĩnh vực phim trường. 

Thực tế từ các nước đã chứng minh, đầu tư cho phim trường cần nguồn kinh phí lớn nhưng không phải không mang lại hiệu quả. Theo cách làm được bà Lê Thị Kiều Nhi chia sẻ, với lợi thế là công ty chuyên cả về sản xuất phim nên khi có dự án, CineV Studio sẽ lấy một phần tiền bối cảnh trong phim để sắp đặt cảnh quay. Nếu thiếu, đơn vị này chấp nhận bù tiền, nhưng đổi lại sẽ có bối cảnh dựng lên để khai thác cho thuê.

“Sau mỗi dự án, mình lại có được một điểm làm cảnh quay cho thuê”, bà Lê Thị Kiều Nhi nói. Thực tế, sau khi hoàn thành phim Bệnh viện thần ái, với chiến dịch quảng bá tốt, doanh thu từ phim trường tăng trưởng vượt dự kiến. Sau gần 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19, hiện phim trường này bắt đầu khai thác hiệu quả trở lại dù vẫn trong giai đoạn bù lỗ.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2022 bổ sung thêm khái niệm trường quay. Nhưng tại điểm h, khoản 2, điều 5 về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh cũng chỉ đề cập: Xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật, trường quay phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến lưu chiểu và lưu trữ phim.

Trong khi đó, Cục Điện ảnh đã xây dựng đề án trường quay Cổ Loa đạt tiêu chuẩn quốc tế, có cả khu vực quay mặt đất, quay dưới nước để phục vụ các đoàn phim trong và ngoài nước. Trước đây, trường quay này từng được đầu tư lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả và vẫn loay hoay với bài toán quy hoạch, đầu tư, tôn tạo, khai thác. 

Tin cùng chuyên mục