Vùng biển Đỏ ngoài khơi bờ biển Ai Cập là nơi có rạn san hô đa dạng và lớn nhất thế giới. Khu vực biển Đỏ đặc biệt nổi tiếng vì khách du lịch có thể nhận được “Sinai Stamp”, một giải pháp thay thế miễn phí cho thị thực du lịch, giúp dễ dàng sắp xếp một chuyến đi nghỉ mà không phải lo lắng về các thủ tục giấy tờ.
Do đó, ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế hàng đầu của đất nước, tạo ra khoảng 389 tỷ bảng Ai Cập (20,9 tỷ EUR) cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2018. Tuy nhiên, mật độ khách du lịch cao ở các thành phố dọc theo biển Đỏ gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sinh vật biển của khu vực.
Với ý định bảo vệ sinh vật biển đa dạng của biển Đỏ và bảo tồn các điểm lặn độc đáo cho thế hệ tương lai, các nhà bảo tồn Ai Cập đã phát động chiến dịch cấm đồ nhựa sử dụng một lần trong khu vực này vào năm ngoái. Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo vệ và Bảo tồn môi trường Hurvhada (HEPCA) đã đề xuất lệnh cấm sản xuất và sử dụng nhựa dùng một lần ở biển Đỏ vào đầu năm 2019.
Với lệnh cấm có hiệu lực, HEPCA đã phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức để giáo dục cộng đồng về tác hại của ô nhiễm nhựa đối với cả sinh vật biển và sức khỏe con người, đồng thời khuyến khích hướng tới các giải pháp thay thế bền vững hơn. Chương trình của HEPCA nhằm bảo tồn các rạn san hô của biển Đỏ bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, hành động cộng đồng trực tiếp và vận động Chính phủ Ai Cập đưa ra luật pháp phù hợp. Nhờ những nỗ lực này, toàn bộ bờ biển phía Nam của thủ đô Ai Cập hiện được gọi là vùng bảo vệ biển Đỏ. Một trong những thành công sớm nhất của chương trình là thiết lập một hệ thống gồm hơn 570 phao neo đậu tại các điểm lặn phổ biến trong khu vực để ngăn thuyền trưởng thả neo trên san hô.
Trong khi tiếp tục nỗ lực để đảm bảo các địa điểm lặn của biển Đỏ được bảo vệ, trong những năm gần đây, HEPCA đã đưa ra các dự án bảo tồn lớn. Năm 2009, tổ chức này đã nhận trách nhiệm quản lý chất thải ở phía Nam biển Đỏ, một dịch vụ trước đây không thường xuyên và không được kiểm soát. Các nhân viên tình nguyện thực hiện dịch vụ thu gom rác tận nhà rồi vận chuyển đến một nhà máy tái chế. Dịch vụ này được đánh giá là thành công đến nỗi vào năm 2010, nó đã được mở rộng và hiện được coi là một mô hình quản lý chất thải rắn hiệu quả nhất ở Ai Cập.
Không chỉ có Ai Cập, hiện nay nhiều nước trong khu vực cũng hợp tác chặt chẽ trong công cuộc giải cứu biển Đỏ. Israel và các nước Arab như Jordan, Saudi Arabia, Yemen, Eritrea, Djibouti và Sudan, cùng tham gia dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu xuyên quốc gia về biển Đỏ nhằm bảo vệ các rạn san hô màu tại đây. Đây được coi là sáng kiến lớn nhất tại khu vực cả về số lượng quốc gia tham gia cũng như khu vực nghiên cứu rộng lớn, hệ sinh thái đa dạng, bao gồm hơn 2.000km bờ biển và 14.500km rạn san hô.
Giáo sư Maoz Fine, nhà sinh vật học biển từ Đại học Bar-Ilan (Israel), cho biết, trong 30 năm qua, 50% san hô trên khắp thế giới đã biến mất. Do đó mục đích của nghiên cứu này là tìm ra những gene cho phép san hô tồn tại ở nhiệt độ cao hơn, chống chịu tốt hơn với hiện tượng ấm lên toàn cầu.