Sau hơn 2 tháng thi tài ca diễn với hơn 60 thí sinh đến từ các đơn vị, các trường đào tạo nghệ thuật, giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ XII-2014 đã tìm được 10 gương mặt xuất sắc nhất (7 giải triển vọng và 3 giải xuất sắc) để trao huy chương vàng. Từ thành công của mùa giải lần này cũng đặt ra nhiều vấn đề cả mừng lẫn lo.
Tín hiệu vui
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mùa giải Trần Hữu Trang năm nay đã gặt hái được những thành quả lớn. Bởi sau 12 lần tổ chức, đây là lần đầu tiên giải thưởng Trần Hữu Trang xác lập được một vài giọng ca lạ, mới cho sân khấu cải lương. Đó là một Ngọc Quyền của Đoàn Văn công Quân khu 9 có chất giọng khỏe, mùi rất khó tìm, thể hiện phù hợp với những vai diễn tính cách bi hùng, bi tráng. Đó là một Ngọc Đợi của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - Bạc Liêu chủ động trong ca diễn, chừng mực trong diễn xuất, chứng tỏ được bản lĩnh của mình trên sân khấu, làm chủ được vai diễn - sàn diễn. Đó là một Mỹ Vân của Đoàn Văn công Đồng Tháp có tính bứt phá trong ca diễn và nói lối rất ngọt ngào. Bên cạnh những hiện tượng đáng mừng này, mùa giải Trần Hữu Trang năm nay còn giới thiệu được những gương mặt trẻ, tài năng trẻ cho sân khấu cải lương như Lâm Ngọc Hoa (Đoàn Văn công Đồng Tháp), Nguyễn Thị Chúc (Đoàn Văn công Quân khu 9), Võ Hồng Thủy (Đoàn cải lương Tây Đô - Cần Thơ), Hoàng Hải (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Phan Thị Hoàng Oanh (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), Lê Vũ Anh Duy (Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Cần Thơ)…
… và những nỗi lo
Bên cạnh những niềm vui ấy, mùa giải Trần Hữu Trang năm nay còn cho thấy những nỗi lo cho sân khấu cải lương. Qua nhiều trích đoạn dự thi của các thí sinh đã cho thấy cải lương hiện nay vẫn còn đó dấu vết của sự cũ kỹ, bi lụy không còn phù hợp với xã hội hiện đại, với nhịp điệu tiết tấu nhanh của đời sống khoa học kỹ thuật tiến bộ. Mà thay vào đó, đòi hỏi cải lương phải có sự “cải cách hát ca theo tiến bộ”, ca diễn cải lương bây giờ phải mạnh dạn chuyển đổi từ bi lụy sang bi tráng, bi hùng và thậm chí là bi hài.
Điều này cũng đặt ra một vấn đề lớn đối với các thầy tuồng - tác giả chứ không riêng gì đội ngũ diễn viên. Các tác giả cũng phải có sự thay đổi trong cách tư duy đề tài, sáng tạo nhân vật sao cho thích ứng với thời cuộc, tránh những lối mòn cũ kỹ. Đồng thời, ở mùa giải lần này (hay nói đúng hơn là cả một số mùa giải trước nữa), phần lớn diễn viên trẻ hiện nay thường thích ca diễn các vai đào - kép, vai lão, mà thiếu hẳn những vai độc lẳng, đào tính cách, vai hài. Chính sự thiếu vắng những vai diễn này đã phần nào làm cho các sân khấu cải lương kém sức hấp dẫn lẫn sự hài hước cần có. Vậy làm sao để sân khấu cải lương có thể sớm khắc phục được hạn chế này?
Theo một số nhà chuyên môn, lỗi này hoàn toàn không thuộc về các diễn viên trẻ mà do công tác đào tạo, vai trò của những người thầy trong việc tuyển chọn, định hướng cho các diễn viên trẻ. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật cũng cần tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ mạnh dạn tham gia các vai diễn có tính cách để qua đó góp phần đào tạo các nhân tố mới bổ sung cho sân khấu cải lương. Nếu không, sân khấu cải lương rất khó thoát khỏi lối cũ, khó thực hiện được sứ mệnh: “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”!
ANH THƯ