Giải tỏa áp lực cho cơ sở

Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Dự thảo Nghị định đề xuất biên chế chuyên trách và người hoạt động không chuyên trách tại phường được xác định chủ yếu theo quy mô dân số. Theo đó, phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân, cứ thêm 5.000 dân được thêm 1 biên chế công chức.

Phường thuộc thành phố có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân, cứ thêm 3.500 dân được thêm 1 biên chế công chức. Khi triển khai nghị định, UBND TPHCM sẽ trình HĐND cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường của từng quận, thành phố.

Trong khi đó, người hoạt động không chuyên trách ở phường sẽ được xác định theo phân loại và theo dân số. Theo phân loại đơn vị hành chính, loại 1 không quá 14 người, loại 2 không quá 12 người, loại 3 không quá 10 người. Tính theo dân số, phường thuộc quận có trên 15.000 dân có 15 người hoạt động không chuyên trách, cứ thêm 5.000 dân được tăng lên 1 người. Phường thuộc thành phố có từ 7.000 dân, cứ thêm 3.500 dân được thêm 1 người hoạt động không chuyên trách… Dự thảo đề xuất người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách, áp dụng với các chức danh bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận.

Có thể thấy, theo đề xuất của Bộ Nội vụ, biên chế công chức và người hoạt động không chuyên trách tại phường có tăng lên ở những nơi đông dân, nhất là ở các địa phương của TPHCM - nơi có 48 phường, xã trên 50.000 dân, trong đó có 6 phường, xã trên 100.000 dân (theo thống kê năm 2022). Qua đó giúp giảm áp lực cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, tạo điều kiện cho việc phục vụ dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, ở nhiều phường, dân số không đông (khoảng 20.000 người) nhưng tính chất và cường độ giải quyết công việc lại khá cao. Đó là bởi khối lượng phục vụ dân, khách vãng lai, kể cả người nước ngoài, rất lớn, đòi hỏi bố trí lực lượng làm việc thường xuyên ngoài giờ, nhất là các phường trung tâm thành phố, nơi có nhiều du khách. Riêng việc giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính, thị thực, sao y, ký và đóng dấu có phường phải thực hiện 1.000-2.000 bản/ngày. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức của phường. Vì vậy, nhiều đề xuất cho rằng số lượng biên chế công chức và người hoạt động không chuyên trách ở phường, ngoài việc xác định theo dân số nên chăng còn xem xét tính chất công việc, khối lượng công việc và tính đặc thù của từng loại phường.

Mặt khác, đối với những địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cần xem xét xác định số lượng biên chế công chức và người hoạt động không chuyên trách cho xã nhằm tạo sự đồng bộ cũng như đáp ứng yêu cầu thực tế. Tại TPHCM, không chỉ ở phường mà nhiều xã cũng có số dân đông như Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) tới 160.000 dân; Vĩnh Lộc B cũng gần con số ấy, mà chỉ có 36 biên chế công chức và người hoạt động không chuyên trách. Trong khi, đây là những địa bàn rộng, phức tạp và đang phát triển, công chức phải chịu áp lực rất lớn trong việc giải quyết hồ sơ của người dân và thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Cùng với việc xác định biên chế, cần coi trọng nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, có cơ chế, chính sách phù hợp và quan tâm đầu vào, đầu ra cho họ. Đây là đội ngũ cán bộ gần dân, là nguồn cán bộ bổ sung cho cấp trên. Nếu không quan tâm đúng mức, nhất là sự phát triển lâu dài đối với cán bộ phường xã, tình trạng rời khu vực công của lực lượng này sẽ còn là điều đáng lo.

TPHCM là nơi có dân số đông nhất, cũng là nơi áp lực công việc vào loại lớn nhất trong cả nước, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động về nhiều mặt, trong đó có tổ chức, bộ máy và biên chế cán bộ cấp cơ sở. Tinh giản biên chế theo chủ trương chung là đúng nhưng cần tăng nhân sự cho cơ sở, nơi đang chịu nhiều áp lực. Ở góc độ của địa phương, TPHCM cũng cần tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường tích hợp sử dụng dữ liệu dùng chung, mở rộng các loại thủ tục giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến. Thực hiện tốt những điều này sẽ góp phần đáng kể vào việc giải tỏa áp lực cho cơ sở và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tin cùng chuyên mục