Được ban hành cách đây gần 3 năm, song dường như Quyết định 71/2010 QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) vẫn chưa giúp cho phương thức đầu tư này vận hành trôi chảy, mặc dù PPP được kỳ vọng là nguồn bổ sung quan trọng trong điều kiện ngân sách còn hết sức eo hẹp. Một nghị định về vấn đề này đang được soạn thảo theo hướng rõ ràng, minh bạch hóa các điều khoản, giúp các nhà đầu tư - cả trong nước và nước ngoài - yên tâm đầu tư vốn. Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một chuyên gia tham gia soạn thảo nghị định này, chia sẻ quan điểm với Báo SGGP.
“Nhất thể hóa” Quyết định 71 và Nghị định 108
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “khơi nguồn lực tư nhân”, nhiều nhược điểm của Quyết định 71 đã bộc lộ rõ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, quy định hiện hành còn quá chung chung, không đưa ra được lời giải cho nhiều vấn đề có thể nảy sinh trong thực tế. Vừa qua chúng tôi đã mạnh dạn làm một việc khá đặc biệt, chưa có tiền lệ, đó là tổ chức một cuộc hội thảo tại Singapore để trực tiếp lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, các tổ chức ngân hàng và tài chính xem họ thực sự cần gì.
Đối với họ, điều quan trọng là mọi quy định phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, đầy đủ và có tính pháp lý cao; có cơ chế phân chia rủi ro và xử lý rủi ro mạch lạc. Họ phân vân khi Quyết định 71 là quy chế thí điểm, tính pháp lý và hiệu lực không cao.
Ngoài ra, do Việt Nam có Nghị định 108 về đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao) nên các nhà đầu tư nước ngoài nhiều lúc không hình dung được sự khác nhau giữa các hình thức BOT, BTO, BT với khái niệm PPP; khi nào áp dụng Quyết định 71 và khi nào thì áp dụng Nghị định 108, giống nhau và khác nhau giữa 2 văn bản này là gì?
Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo một nghị định về hình thức đầu tư PPP theo hướng “nhất thể hóa” 2 văn bản pháp lý nêu trên, nhằm tạo ra cách hiểu, cách thực hiện thống nhất, thúc đẩy các dự án PPP. Sẽ không có chuyện nhà đầu tư phải tính toán thiệt hơn xem “nên làm theo Quyết định 71 hay Nghị định 108”.
Giải đáp nhiều băn khoăn của nhà đầu tư
Có rất nhiều câu hỏi chúng tôi nhận được từ nhà đầu tư và cả những người đứng đằng sau họ - các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Không như chúng ta vẫn thường nghĩ, điều đầu tiên mà nhà đầu tư mong muốn chưa phải là những lợi ích cụ thể, trước mắt, mà là cơ chế thật sự rõ ràng, càng chi tiết càng tốt. Chẳng hạn như khi đầu tư một con đường, thu phí bằng tiền đồng Việt Nam, sau này nhà nước có cam kết bán ngoại tệ để nhà đầu tư có thể chuyển về nước hay không? Đất của dự án, nhà đầu tư có được dùng để thế chấp vay vốn từ ngân hàng và tổ chức đầu tư tài chính hay không; cơ chế tham gia của nhà nước như thế nào?...
Về phần mình, các tổ chức tài chính ngân hàng cũng có mối quan tâm riêng của họ. Vì nhà đầu tư quyết định đầu tư, nhưng vốn chủ sở hữu thường chỉ chiếm 15% - 20% giá trị đầu tư, còn lại phải đi vay. Họ không thể để mình bị “sa lầy” khi nhà đầu tư vì lý do nào đó không thể tiếp tục triển khai dự án. Chẳng hạn, trong trường hợp xấu, nhà đầu tư bị phá sản, hoặc không còn năng lực thực hiện tiếp dự án đang dang dở thì họ có quyền được “kéo” nhà đầu tư khác vào hay không, xử lý hậu quả như thế nào...
Một việc khác là nếu muốn mời nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP thì phải đấu thầu cạnh tranh, minh bạch, nhưng muốn đấu thầu cạnh tranh minh bạch thì phải lập dự án một cách bài bản, tức là phải có tiền để thuê công ty tư vấn có kinh nghiệm và năng lực thực thụ. Nhưng hiện nay ở Việt Nam thông thường công ty tư vấn phải ứng ra làm trước, khi dự án được duyệt, có tiền thì trả lại sau. Cái khó ở đây là các công ty tư vấn Việt Nam không giỏi về lập phương án tài chính cho các dự án PPP, tức là xây dựng kịch bản làm thế nào để thu được tiền về, bằng cách nào, trong bao năm... vì đây là hình thức rất mới.
Loay hoay mãi khi vận hành theo Quyết định 71 như thế, cho nên mới phải sinh ra loại quỹ DPF (Development Project Fund - Quỹ Phát triển dự án), ban đầu từ nguồn vốn do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ, sau có thêm một số định chế tài chính khác... Các dự án cần lập dự án khả thi thì dùng quỹ này. Sau khi chọn được nhà đầu tư trúng thầu thì nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn trả lại tiền để dùng cho dự án khác. Đồng thời, nên quy định rõ dự án trong danh mục của nhà nước thì nhà nước làm nghiên cứu khả thi; dự án do nhà đầu tư đề xuất thì nhà đầu tư làm nghiên cứu khả thi.
Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng được nhà đầu tư đặt câu hỏi. Đơn cử, dự án do nhà nước chuẩn bị dự án rồi đem ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thế còn trường hợp dự án do nhà đầu tư tự đề xuất dự án thì có đem ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không?
Tất cả những việc như vậy đều phải được quy định một cách cụ thể trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao thì mới thuyết phục được nhà đầu tư. Đáng lưu ý là trong dự thảo tới đây chúng tôi đề xuất phần vốn ngân sách (VGF) có thể lên tới 49%, thay vì 30% như trước.
Theo kế hoạch, trong tháng 12 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định. Nếu mọi việc suôn sẻ, sau khi thực hiện đầy đủ quy trình lập pháp thì trong quý 1-2014 nghị định sẽ được ban hành. Tôi tin rằng một khi đi vào cuộc sống, nghị định sẽ đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư.
Quan trọng hơn, một khi đất nước càng có nhiều dự án PPP thì sẽ càng ít đi những công trình đầu tư dang dở, lãng phí, hiệu quả sử dụng kém. Các nhà đầu tư tư nhân không bao giờ khoanh tay nhìn tiền túi của mình bị phơi mưa, phơi nắng và thất thoát.
CẨM HÀ ghi
| |