Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn: Kịch nói đang chậm lại

Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn: Kịch nói đang chậm lại

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn

Năm 2012 kỷ niệm Sân khấu Kịch IDECAF hoạt động được 15 năm. Từ sự thành công của Kịch IDECAF, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã mở rộng đầu tư xây dựng Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM và đang khẩn trương xây dựng tiếp Nhà hát dân tộc Nón Lá dành cho các loại hình âm nhạc truyền thống phục vụ khách du lịch.

- PV: Sau 15 năm gầy dựng Kịch IDECAF, trải qua bao thăng trầm, giờ đây nhìn lại anh có trăn trở gì với đời sống sân khấu hôm nay?

Ông HUỲNH ANH TUẤN: 15 năm chưa phải là một chặng đường dài của một nhà hát. Tuy nhiên, nhìn lại quãng thời gian ấy, chúng tôi có thể tự hào rằng, IDECAF là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa, dàn dựng trên 150 vở và hàng chục chương trình sân khấu thiếu nhi. Thành công của IDECAF đã lần lượt thúc đẩy các nghệ sĩ thành lập những sân khấu khác. Trong những ngày đầu mới thành lập, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, nhưng tôi quan niệm rằng nghệ thuật đi trước, kinh tế sẽ theo sau. Chính vì thế mà chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các vở diễn mới và dần được khán giả ủng hộ cho đến hôm nay.

Điều tôi trăn trở lâu nay, đó là sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc đầu tư cho sự phát triển của văn hóa chưa thật tương xứng. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của TPHCM nói chung khá phát triển, ai cũng mừng. Tuy nhiên, tiếc là cơ sở vật chất dành cho văn hóa lại chưa được đầu tư phát triển đồng bộ. Thực sự, đầu tư cho văn hóa hôm nay cũng có nghĩa là đầu tư cho giới trẻ ngày mai. Thời gian gần đây, chúng ta thường tổ chức những hội nghị, hội thảo báo động về sự xuống cấp của văn hóa, ngẫm lại cũng buồn, bởi sự xuống cấp văn hóa không phải là một hiện tượng mà nó được hình thành qua cả một quá trình do thiếu sự chăm sóc ngay từ đầu. Khi đi Nhật tham quan các mô hình văn hóa, tôi rất thích thú với cách đầu tư xây dựng nhà hát ở đây.

Ở Nhật không có khái niệm đoàn hát nhà nước nhưng lại có những nhà hát của nhà nước. Tất cả các cơ sở vật chất nhà hát đều do nhà nước đầu tư xây dựng, mỗi quận đều có từ một đến vài nhà hát. Sau khi nhà nước xây dựng nhà hát sẽ tổ chức đấu thầu cho các công ty tư nhân có năng lực hoạt động thuê lại với thời gian 5 năm, 10 năm… để thực hiện các chương trình, vở diễn phục vụ nhân dân. Nhờ thế mà khán giả được hưởng thụ văn hóa rất tốt. Cho nên tôi luôn mơ ước, TPHCM sẽ sớm có được những công trình văn hóa xứng tầm để thúc đẩy sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Tôi nghĩ, đầu tư cho văn hóa không chỉ là đầu tư cho hôm nay mà còn là đầu tư cho sự bền vững của tương lai.

- Gần đây, sân khấu TP đang ngày càng thưa dần những vở diễn hay do diễn viên chạy show đóng phim nhiều, ít dành thời gian đầu tư cho vai diễn, vở diễn, anh nghĩ sao về điều này?

Đó là quy luật tất yếu của thị trường, cái nào mạnh sẽ phát triển. Trước đây, kịch nói có nhiều vở đi trước cả báo chí nhưng giờ báo chí rất phát triển và kịch nói đang chậm lại. Đồng thời, nguồn lực viết kịch bản của sân khấu cũng đang mỏng hơn phim ảnh rất nhiều, bởi phim ảnh đang mang lại nguồn thu nhập cao. Cho nên kịch nói muốn phát triển, đòi hỏi phải có sự đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, Kịch IDECAF cũng có một sự may mắn là sau 2 năm diễn viên đua nhau đi đóng phim, giờ đã trở lại diễn kịch rất nhiều. Bởi họ đã qua cái thời cao điểm của phim.

Bên cạnh đó, phim ảnh luôn cần những gương mặt mới, còn họ thì đã quá quen thuộc. Nếu diễn viên không thể hiện được bản lĩnh diễn xuất càng dễ gây nhàm chán cho khán giả. Và nơi rèn luyện bản lĩnh cho diễn viên không đâu tốt bằng sàn diễn kịch mới. Có lẽ, một số diễn viên cũng đã nhận ra điều này và đang trở lại sàn diễn kịch ngày một đông hơn. Đây cũng là thời điểm thích hợp để Kịch IDECAF thực hiện một số vở diễn lớn kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển vào tháng 9-2012.

Ngàn năm tình sử, một trong những vở kịch lịch sử được Sân khấu Kịch IDECAF đầu tư thực hiện hoành tráng, thu hút công chúng.

Ngàn năm tình sử, một trong những vở kịch lịch sử được Sân khấu Kịch IDECAF đầu tư thực hiện hoành tráng, thu hút công chúng.

- Ngoài làm kịch người lớn, kịch thiếu nhi, những năm gần đây có vẻ anh rất quan tâm đến nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, âm nhạc dân tộc?

Đối với tôi, nghệ thuật dân tộc luôn có một sức hút mạnh mẽ. Chính vì thế mà sau Múa rối nước Rồng Vàng, tôi muốn thực hiện tiếp Nhà hát dân tộc Nón Lá dành cho các loại hình âm nhạc truyền thống. Đây là một dự án mà tôi đã dày công chuẩn bị từ 5 năm qua.

- Vậy khi nào Nhà hát dân tộc Nón Lá chính thức ra mắt khán giả và sẽ trình diễn những gì, thưa anh?

Hiện nay chúng tôi đang hoàn tất chương trình cũng như cơ sở vật chất của nhà hát. Có thể sẽ trình làng vào khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 20-2-2012. Lúc đầu kinh phí đầu tư cho nhà hát ước tính khoảng 1, 8 tỷ đồng, nhưng giờ đã vọt lên trên 2 tỷ đồng. Tôi muốn nghệ thuật truyền thống – vốn văn hóa quý giá của dân tộc được giới thiệu đến du khách nước ngoài một cách tốt nhất. Nhà hát sẽ mở màn hàng đêm, lúc 20 giờ 35, giới thiệu đến du khách chương trình nghệ thuật có thời lượng 50 phút với các loại hình âm nhạc truyền thống: ca trù, chèo, hát bội, nhã nhạc cung đình Huế, hòa tấu bộ gõ các vùng miền của Việt Nam… Bên cạnh chương trình nghệ thuật, nhà hát còn chiêu đãi miễn phí ẩm thực dành cho du khách, đặc biệt là món phở.

- Còn tài tử cải lương - một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ, nhưng lại không thấy anh đưa vào chương trình của Nhà hát dân tộc Nón Lá, phải chăng anh đang ấp ủ một kế hoạch khác nữa?

Sở dĩ trong chương trình của Nhà hát dân tộc Nón Lá tôi không đưa tài tử cải lương là bởi tôi nhận thấy loại hình nghệ thuật độc đáo này cần phải có một không gian trình diễn riêng. Khi nhắc đến tài tử cải lương là nhắc đến hình ảnh của làng quê, sông nước hữu tình, chính vì thế mà tôi đang hoạch định xây dựng 1 điểm trình diễn tài tử cải lương phục vụ du khách tại TP Cần Thơ. Thời gian qua, tôi đã đi khảo sát thực tế và sẽ đầu tư thực hiện trong nay mai.

Đỗ Hạnh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục