Dù đã đạt nhiều thành quả nhưng các chương trình giảm nghèo thời gian qua vẫn còn nặng tính bao cấp, thiếu kết nối. Trong bối cảnh mới, tốc độ giảm nghèo đang bị chựng lại, nhiều hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cao. Cùng với những tác động đa chiều của khủng hoảng kinh tế, XĐGN đứng trước không ít thách thức.
Chuẩn nghèo mới - Những vấn đề mới
Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, 5 năm qua, phong trào giảm nghèo được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Ước tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 9,5%, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ĐBSCL là 7,32%.
Bộ LĐTB-XH vừa công bố dự thảo chuẩn nghèo mới, áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hộ nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực nông thôn), từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị). Như vậy, mức chuẩn nghèo mới do bộ đề xuất sẽ cao gần gấp đôi mức hiện hành. Nếu chuẩn nghèo mới được áp dụng, tỷ lệ hộ nghèo dự tính sẽ tương đương khoảng 20%.
Tại Cần Thơ, đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của TP là 4,62%. Tỷ lệ này sẽ thay đổi đáng kể khi áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo và cận nghèo ở các địa phương tăng lên khá cao. Kết quả dự báo của Tổng cục Thống kê theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo TP Cần Thơ tương đương 7%-8,5%, thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có tỷ lệ hộ nghèo thấp (theo chuẩn mới).
Theo bà Trần Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Hậu Giang, khi áp dụng chuẩn nghèo mới này, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Hậu Giang có thể tăng hơn ba lần. Ở các địa phương khác như Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp… tình hình cũng tương tự. Thách thức cần phải vượt qua là làm thế nào để kéo giảm số hộ nghèo và hộ cận nghèo trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn và giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao?
Hiện cả nước đang tổng điều tra hộ nghèo. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình quốc gia mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.
Theo ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB-XH), để đảm bảo thực hiện chương trình giảm nghèo có hiệu quả, phải xác định chính xác nhu cầu của người nghèo; bản thân họ phải tham gia vào quá trình thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra. Thông qua đánh giá, Chính phủ thấy rằng, mặc dù chúng ta tập trung nhiều nguồn lực, nhiều chính sách với người nghèo, nhưng kết quả giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, đặc biệt những vùng khó khăn nhất, mức độ giảm tỷ lệ nghèo đói lại thấp nhất.
Giai đoạn 2005-2010, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều, nhưng các chương trình giảm nghèo phối hợp với nhau kém hiệu quả. Sự trùng lặp và thiếu đồng bộ đã dẫn đến chồng chéo trong các nỗ lực giảm nghèo hướng tới một số nhóm đối tượng, trong khi có thể đã bỏ qua những nhóm đối tượng khác, ví dụ như người nhập cư. Đồng thời, chi phí vận hành cũng tăng cao, nên hiệu quả của các chương trình đối với người nghèo bị giảm.
Cận nghèo nhiều, tái nghèo cao
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thời gian qua, số lượng hộ thoát nghèo khá cao, nhưng hầu hết mới qua chuẩn nghèo. Một bộ phận hộ nghèo ở nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập còn thấp. Những năm gần đây, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, tập trung ở các xã nghèo, gây thiệt hại về sản xuất, tài sản, khiến đời sống hộ nghèo thêm khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả vật tư sản xuất, hàng hóa tiêu dùng tăng nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hộ nghèo.
Nhìn chung, thành quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc. Hàng năm, số hộ cận nghèo nhiều, nguy cơ tái nghèo cao. Phân tích các số liệu từng năm giai đoạn 2006-2010 tại TP Cần Thơ cho thấy, đồng thời với kết quả hộ thoát nghèo là hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh mỗi năm không nhỏ. Năm 2006, toàn Cần Thơ có 2.638 hộ thoát nghèo thì có 220 hộ tái nghèo và nghèo mới; năm 2007, thoát nghèo 3.809 hộ, tái nghèo và nghèo mới 1.427 hộ. Năm 2009, thoát nghèo 4.325 hộ, tái nghèo và nghèo mới 2.653 hộ.
Một số chính sách và biện pháp hỗ trợ cho hộ nghèo chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Với mức chuẩn nghèo áp dụng lâu nay so với giá cả thị trường, dịch vụ, chỉ cần hộ nghèo vừa được xét thoát nghèo hay hộ cận nghèo có người bệnh nan y, hiểm nghèo; gặp rủi ro trong làm ăn, thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất, thiếu tư liệu sản xuất; việc làm không thường xuyên, thu nhập bấp bênh rất dễ tái nghèo.
Thêm nữa, hàng năm, Nhà nước đã đầu tư kinh phí khá lớn cho dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo nhưng vì nhiều lý do, chưa thật sự thu hút người nghèo theo học nghề. Tuy nhiên, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp nhu cầu, gia cảnh của người nghèo và việc tiêu thụ sản phẩm làm ra không ổn định, giá gia công sản phẩm thấp, thu nhập không ổn định nên số người nghèo kiên trì bám nghề và sống được với nghề không nhiều.
Đó là chưa kể tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay chưa cao.
Có một thực tế, bên cạnh nhiều hộ nghèo chịu khó, chí thú làm ăn, tận dụng cơ hội thoát nghèo, quyết tâm đổi đời, trở thành những điển hình tiêu biểu cho công tác giảm nghèo, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo thụ động, ỷ lại và trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mong hưởng thụ nhiều hơn là tự lực vượt khó vươn lên. Đồng thời, do trình độ học vấn hạn chế, chưa có kế hoạch tính toán làm ăn, lại không có ý thức tiết kiệm “tích thiểu thành đa” nên cái nghèo cứ lẩn quẩn, không khá lên được.
Theo các chuyên gia, một trong những mặt trái của chính sách giảm nghèo là tạo ra sức ì, thói ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Do vậy, mong muốn đưa chính sách hỗ trợ tập trung vào đúng những hộ nghèo, đảm bảo công bằng và phát huy tính tích cực của chương trình giảm nghèo là việc không hề đơn giản.
Bài 3: Giải pháp đồng bộ, liên thông
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), hiện Việt Nam đang có 41 dự án và chính sách định hướng vào việc giảm nghèo. Báo cáo cũng nêu ra những thách thức đáng kể trong việc điều phối, lồng ghép các nguồn vốn giảm nghèo cũng như các can thiệp giảm nghèo ở cả cấp trung ương cũng như địa phương. UNDP đánh giá: Tình trạng nghèo và chậm phát triển ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 được dự báo sẽ tập trung ở các “túi nghèo”, “lõi nghèo” như vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển hay nghèo đô thị. Ngoài việc cần phải có sự thay đổi cơ bản về cách tiếp cận trong giảm nghèo, giai đoạn 2011 - 2015 cũng đặt ra những nhu cầu trong việc có cách làm mới, hướng đi mới trong việc kết hợp giữa giảm nghèo đơn thuần và giảm nghèo gắn với phát triển bền vững. |
Trần Minh Trường
Giảm nghèo – hướng tới bền vững |
- Bài 1: Kỳ tích thoát nghèo |