Vụ tiêu cực của Trần Kim Long (nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp) chưa kết thúc thì mới đây lại xảy ra vụ tiêu cực tương tự của nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khỏe. Sai phạm của hai người đứng đầu địa phương có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cần mổ xẻ, đó là công tác giám sát đối với người có quyền lực.
Trong quá trình công tác từ cán bộ thường lên đến vị trí đứng đầu chính quyền một quận, cả 2 vị này đều chịu sự giám sát thường xuyên của cấp ủy các cấp, cũng như của các cơ quan dân cử như HĐND hay của đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đặc biệt ở cương vị chủù tịch UBND quận, vai trò giám sát của các tổ chức đối với họ càng chặt chẽ hơn. Vậy tại sao vẫn không thể phát hiện? Các đợt giám sát của HĐND hay đại biểu Quốc hội là hoạt động thông thường, theo quy định và chủ yếu là giám sát về nguyên tắc chứ không mang tính chuyên biệt và ít nhất quán khi đụng đến những vụ việc cụ thể.
Còn hình thức giám sát nhân dân, giám sát dư luận, lại càng mang tính… hình thức hơn. Do vậy, cả hai hình thức giám sát đều chưa thể phát huy tác dụng, nhất là đối với những cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu tại địa phương, đơn vị. Dường như, người có chức vụ càng cao lại càng ít chịu sự giám sát! Đó là nghịch lý! Qua vụ việc của 2 vị đứng đầu chính quyền quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn một lần nữa cho thấy, sự giám sát của các cơ quan Nhà nước, ủy ban kiểm tra các cấp chỉ “chạy theo” sự việc sau khi bị vỡ lở. Hai vị nguyên chủ tịch quận nói trên, nếu không bị cơ quan điều tra phanh phui các vụ tiêu cực về đất đai thì các cơ quan giám sát khó lòng kiểm tra phát hiện được tình trạng tham nhũng của họ.
Ai cũng biết, buông lỏng giám sát đối với quyền lực là một trong những nguyên nhân khiến tham nhũng không ngừng phát sinh. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong thể chế quyền lực hiện nay?
Tuấn Sơn