Khi may mắn được trao chiếc vé ngồi ở giảng đường thì lại gặp vô vàn khó khăn trong học tập như trường không hỗ trợ người phiên dịch, chưa được miễn một số môn học theo quy định, chi phí học tập cao hơn người bình thường, sự kỳ thị của bạn bè... Đó là thực trạng mà sinh viên khuyết tật đang phải đối mặt tại giảng đường các trường ĐH-CĐ.
Nỗ lực từ sức mạnh ý chí
Mới đây, tại hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức, em Lê Minh Tú, sinh viên năm nhất chuyên ngành Tâm lý học, Trường ĐH Văn Hiến (TPHCM), cho biết do bị tật câm điếc bẩm sinh nên em đã nộp hồ sơ vào 3 trường ĐH-CĐ, chấp nhận đóng 2 lần học phí (học phí cho em và cho người phiên dịch đi cùng), nhưng vẫn bị bộ phận tuyển sinh các trường từ chối với lý do sức khỏe. “Chỉ khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Văn Hiến, em mới được nhận vào học, được hỗ trợ thêm người phiên dịch giúp hiện thực hóa giấc mơ giảng đường”, Tú vui mừng cho biết.
Trường hợp khác, Nguyễn Ngọc Hiệp, sinh viên năm cuối Khoa Quản lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết do bị khiếm thị từ nhỏ nên em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Từ việc xe buýt từ chối đón đến việc quanh năm phải nhờ bạn bè chụp lại tài liệu trên giấy, sau đó về nhà nhờ người chuyển qua file mềm chuyên dành cho người khiếm thị, rồi phải mò mẫm các phần mềm công nghệ (vốn chỉ dành cho người sáng mắt) để theo kịp bạn bè trong lớp. Nhiều trường hợp khác, sinh viên khuyết tật phải chấp nhận “đánh lụi”, chờ đợi sự hên xui qua các bài kiểm tra trắc nghiệm kỹ năng nghe môn tiếng Anh, nguyên nhân vì khả năng nghe kém nhưng không được miễn, giảm môn học này. Có bạn chỉ có giấy chứng nhận khuyết tật mức độ nhẹ nên không được miễn, giảm môn thể dục, dù khả năng vận động khó…
Theo một kết quả khảo sát của DRD, một sinh viên bình thường trong một năm học ở các trường ĐH-CĐ công lập mất khoảng 60 triệu đồng chi phí học tập. Nhưng chi phí này đối với sinh viên khuyết tật có thể lên đến 80 triệu đồng/năm, nếu học ở các trường tư thục con số sẽ cao hơn từ 2 - 3 lần. Lý giải vấn đề này, anh Lê Hữu Thương, điều phối viên Dự án “Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật” liệt kê các khoản chi phí phát sinh đối với sinh viên khuyết tật như: mua dụng cụ hỗ trợ (máy trợ thính đối với tật khiếm thính; máy ghi âm, scan tài liệu, kính lúp đối với các bạn khiếm thị; xe lăn, nạng, gậy đối với các bạn khuyết tật vận động…), chi phí đi lại (xe ôm, xe buýt vì không thể tự điều khiển phương tiện giao thông), chăm sóc sức khỏe (thuốc hỗ trợ đối với từng dạng tật) hoặc thuê người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đối với tật câm điếc. Ngoài ra, theo bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính (CED), hiện nay TPHCM chưa có trường cấp 2 công lập tiếp nhận học sinh khiếm thính. Riêng với tật câm điếc, chưa có quy định về nhân sự phiên dịch trong các trường phổ thông, ĐH-CĐ khiến việc học của các em gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các trường hợp sinh viên khuyết tật tốt nghiệp ĐH-CĐ đều dựa vào nỗ lực tự thân và giúp đỡ từ gia đình.
Cần cộng đồng tiếp sức
Về vấn đề miễn, giảm học phí đối với sinh viên khuyết tật, hiện nay hầu hết các trường ĐH-CĐ đều yêu cầu sinh viên phải có giấy chứng nhận khuyết tật mức độ nặng kèm điều kiện thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo của TP mới được ưu tiên miễn, giảm học phí. Trong khi đó, theo phản ảnh của nhiều phụ huynh, thủ tục và quy trình cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho các em ở cấp phường, xã thực hiện rất cảm tính. “Có nơi chỉ em nào nằm một chỗ, không tự mặc quần áo được, không giao tiếp được mới được cấp giấy chứng nhận khuyết tật mức độ nặng, còn lại tất cả dạng tật đều xếp loại khuyết tật mức độ nhẹ, gây khó cho việc bổ túc hồ sơ của các em ở trường học”, một phụ huynh ở quận 12 cho biết. Thêm vào đó, theo ông Hoàng Trường Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), trước đây hồ sơ khuyết tật chỉ cần giấy chứng nhận của bệnh viện, nhưng nay quy định phải có thêm chứng nhận của hội đồng thẩm định do UBND phường, xã tổ chức. “Trong khi thực tế các địa phương không có đủ nhân lực và trình độ chuyên môn thực hiện, tạo nhiều bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật cho các em”, ông Giang bày tỏ.
Trước thực tế đó, cộng đồng khuyết tật kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía các trường học nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Đối với từng trường hợp khuyết tật cụ thể, trưởng/phó khoa chuyên môn cần chủ động xem xét, thẩm định để quyết định miễn, giảm môn học cho các em. Ngoài ra, một số phong trào như giúp bạn học tốt, cõng bạn đến trường, đôi bạn cùng tiến cần được phát huy mạnh mẽ hơn ở các trường học để nhân rộng tinh thần tương thân tương ái, biết sẻ chia, giúp đỡ, để người khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm, có thể nuôi sống bản thân và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Theo ông Hà Lê Ân, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, hiện nay trung tâm đang lắp đặt thử nghiệm 2 trạm xe buýt có gắn bảng thông tin điện tử với đèn LED, hỗ trợ thêm giọng đọc cung cấp thông tin các tuyến xe, thời gian xe rời trạm, đón khách, để hỗ trợ người khuyết tật, đặt tại cổng Trường ĐH Sài Gòn và Cung Văn hóa Lao động TP.