Tỉnh lại sau cơn phê thuốc,Trần Thị Mỹ Thanh (sinh năm 1978, ảnh) nhìn dòng nước mắt lăn dài trên má mẹ, lòng chị quặn thắt. Nhưng rồi hết cai lại nghiện, 1 lần, 2 lần… 5 lần, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ quấn riết, lấy đi của chị cả tuổi xuân. Giờ đây, dù hạnh phúc bên chồng con nhưng chị vẫn rùng mình khi nghĩ đến quãng đời đen tối đã qua.
Sinh ra trong gia đình nghèo ở gần khu vực Hòa Hưng, ba mất khi Thanh vừa tròn 10 tuổi. Năm 16 tuổi, Thanh phải nghỉ học đi làm, kiếm tiền phụ mẹ nuôi hai đứa em. Bị bạn bè rủ rê, Thanh sa chân vào con đường ma túy. Chị nhớ lại: “Lúc đầu chỉ là thử cho biết nhưng cái chất bột trắng ấy cứ bám riết lấy tôi”.
Một lần bắt gặp con gái đang hít “cái chết trắng”, mẹ chị kiên quyết vay mượn khắp nơi đưa con đi cai nghiện. Vậy mà, khi vừa trở về từ trại cai nghiện, Thanh lại sa chân vào con đường cũ và phải vào trại cai nghiện lần hai. Cũng trong thời gian này, Thanh đã gặp gỡ và yêu Lương Thuận Thái - một con nghiện nặng cũng đang đi cai.
Năm 2003, sau lần cai nghiện thứ 4 trở về, đôi bạn trẻ đã chính thức thành vợ thành chồng với mong muốn cùng nhau xây dựng tương lai. Với nghề làm giày dép gia truyền cộng thêm những kinh nghiệm may học được trong trại cai nghiện, họ bàn cách vay vốn để làm ăn, làm lại cuộc đời. Số tiền 10 triệu đồng của UBND phường 11 (quận 3) cho vay lúc đó như là một phép màu giúp anh chị làm lại cuộc đời.
Hiện tại, lúc cao điểm, cơ sở của chị có khoảng hơn 20 lao động làm việc suốt ngày đêm. Một điều đặc biệt, những công nhân này hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc là thanh thiếu niên trong giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng, được chị cưu mang, giúp đỡ, tạo điều kiện làm lại cuộc đời.
Năm 2009 và 2010, chị Trần Thị Mỹ Thanh đã được giấy khen của Hội LHPN quận 3 về thành tích xuất sắc trong phong trào “Người tốt, việc tốt”. Chị tâm sự: “Đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, nên hơn ai hết mình là người hiểu rõ những tâm tư, tình cảm của bọn trẻ, từ đó có những chia sẻ đồng cảm hơn”.
TƯỜNG AN