
Dự thảo luật bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB (nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml), giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng.
Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Dự thảo luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%. UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế TTĐB.
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho rằng quy định này chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn. Khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên (như nước dừa, nước trái cây) có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas. Thực tế, 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không. Do đó, ĐB cho rằng, việc áp cùng mức thuế 10% như nước ngọt có gas là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, chỉ đánh thuế đồ uống có đường là chưa toàn diện; cần kết hợp các giải pháp khác như tăng cường truyền thông về dinh dưỡng để thay đổi hành vi tiêu dùng, vì mức thuế 10% có thể quá thấp để tác động đến sức khỏe cộng đồng.

Từ phân tích đó, ĐB Khải đề nghị làm rõ phạm vi đối tượng chịu thuế, bổ sung định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế TTĐB, loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên (nước ép 100% trái cây, sữa, nước dừa nguyên chất…) nhằm tránh đánh thuế nhầm lên ngành nông nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Song song đó, xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp - có thể lùi thời điểm áp thuế đến năm 2027 với mức khởi điểm thấp (ví dụ 5-8% trong năm đầu) rồi tăng lên 10% sau, giúp doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ) có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường.
Điều này vừa đảm bảo lợi ích Nhà nước (tăng thu và giảm gánh nặng bệnh tật về sau), lợi ích nhân dân (sức khỏe được cải thiện), lại hài hòa lợi ích doanh nghiệp (có lộ trình điều chỉnh sản xuất phù hợp, khuyến khích nghiên cứu đồ uống ít đường). Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành thực phẩm phát triển các sản phẩm nước giải khát ít đường, sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên an toàn, qua đó thúc đẩy khoa học công nghệ trong nước và đáp ứng xu hướng tiêu dùng lành mạnh.

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng nêu quan điểm, thu thuế với nước uống có đường cũng sẽ gây khó khăn cho ngành hàng này, ảnh hưởng đến nông dân, người lao động. Lý do mặt hàng này dẫn đến béo phì của trẻ em không hoàn toàn thuyết phục, việc này là do nhiều nguyên nhân, chứ không riêng nước uống, nếu do nước uống thì tại sao không đánh thuế bánh kẹo, sữa… Do đó, đề nghị cân nhắc chưa đánh thuế với nước uống có đường.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng lý giải, nước giải khát có đường chưa chắc gây béo phì, vì nhiều loại khác như trà sữa, bánh kẹo... cũng có thể là nguyên nhân. Do đó, phải tính toán kỹ, hợp lý. Đề nghị đã thu thuế TTĐB thì thu nhiều sản phẩm khác nữa và phải có lộ trình hợp lý.

Nhiều ĐB khác cũng đề nghị cân nhắc vấn đề này và phải có đánh giá tác động rõ về việc thu thuế với mặt hàng này.
Tuy nhiên, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) và một số ĐB khác lại đồng tình áp thuế như dự thảo, vì nếu bây giờ không hành động thì tương lai, chi phí y tế cho sức khỏe người dân còn lớn hơn nhiều. Thu thuế với mặt hàng này để giảm bệnh, không để trẻ em trở thành bệnh nhân trước khi trưởng thành.

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cũng đồng tình bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB nhằm định hướng thói quen tiêu dùng cho người dân, nhất là giới trẻ, hướng giới trẻ hạn chế thói quen sử dụng thức ăn nhanh, uống nhiều nước có đường... sẽ gây ra hệ lụy xấu đối với sức khỏe. Cùng với đánh thuế, ngành y tế cần tăng cường tuyên truyền về nguy cơ sử dụng thức uống có đường, thức uống đường phố…
Tuy nhiên, ĐB Yến Nhi đề nghị, quy định đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường cần loại trừ đối với nước uống trái cây tự nhiên, ví dụ như nước dừa có thể có hàm lượng đường trên 5g/100ml nhưng lại tốt cho sức khỏe.