Thời nào cũng gian nan
NSƯT Hùng Minh kể lại: “Thời trẻ, tôi cùng nghệ sĩ Thanh Hương lập đoàn Thanh Hương - Hùng Minh (năm 1963), khai trương tại rạp Thanh Bình (sau này là rạp Quốc Tế). Sau đó, tôi dẫn đoàn lưu diễn 11 năm ở các tỉnh miền Trung, rồi kéo về Sài Gòn và đi một số tỉnh miền Tây. Chỉ có làm rồi mới thấm bao khó khăn đổ dồn lên vai người làm bầu. Nội chuyện chạy lo tiền cơm cho anh em nghệ sĩ, nhân công không thôi đã đủ mất sức. Năm 1974, nghệ sĩ Thanh Hương mất, tôi buông đoàn, giao lại cho anh em tự quản. Nhưng mới một tháng, anh em đã đem trả lại đoàn cho tôi vì gồng không nổi”.
Cái khó đó không chỉ ở quá khứ. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Idecaf, có đến 38 năm theo đuổi nghiệp làm bầu, chia sẻ: “Làm bầu tư nhân luôn gặp muôn vàn khó khăn, phải hoạt động tất tả với hai bàn tay trắng và công nghệ 4 không: không có nơi để tập, không có nhà hát, không có văn phòng, không ai tài trợ. Chỉ có yêu nghề lắm mới dám làm, mới ráng giữ nghề và chấp nhận rủi ro và thiệt thòi về mình. Quá nhiều vấn đề phải lo lắng, từ con người, cơ sở vật chất, sản phẩm, bảo vệ an toàn cho khán giả, nghệ sĩ, diễn viên...”. Sau những thăng hoa của nghệ sĩ với tác phẩm, ông bầu mới đau đầu tính toán chuyện thu chi lỗ lã.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, mấy chục năm qua, hầu hết các vở kịch lịch sử, cổ trang, gần như đều phải bù lỗ. Kể cả vở nhạc kịch hoành tráng Tiên Nga cũng chịu lỗ đến 2,2 tỷ đồng. Riêng chương trình thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa là có dư được chút đỉnh để “nuôi” lại chương trình.
Ông bầu Trần Đại của Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cũng trăn trở: “Mỗi tháng, sân khấu luôn phải chi một khoản không nhỏ để giữ chân anh em nghệ sĩ, đầu tư dàn dựng vở mới, chi trả lương cho anh em hậu đài, âm thanh, ánh sáng, thi thoảng lại bảo trì sân khấu... Tôi đầu tư vài tỷ đồng cho sân khấu chỉ vì ham vui nên làm thôi. Cái khó của ông bà bầu thời nay còn là chuyện diễn viên nổi tiếng quá thì chạy show ngoài nhiều, không thể dành thời gian cho sân khấu. Vì đời sống cả nên mình thông cảm, đành tìm diễn viên mới, nhưng thật cũng khó, không biết sẽ trụ được bao lâu, thôi thì cứ tới đâu tính tới đó”.
Đa đoan hơn nghệ sĩ
Nghệ sĩ Chí Linh của sân khấu Chí Linh - Vân Hà cho rằng: “Nghề làm bầu thời nay khó lắm. Từ lo đầu tư dàn dựng, chọn kịch bản hay, chỗ tập luyện cho anh em, đến phát hành vé, tự quảng cáo vở diễn, chương trình trên các trang mạng xã hội, rồi phải tìm thuê rạp, giữ chân được diễn viên giỏi nghề để giữ lửa và chất lượng cho sân khấu. Sự gói ghém kỹ lưỡng về kinh tế luôn được chú trọng để làm sao hoạt động duy trì từ huề vốn đến dư chút đỉnh, ráng không bù lỗ quá nhiều để còn có động lực và nguồn chi phí tổ chức các vở sau”.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chiêm nghiệm đời làm bầu bằng hai câu thơ: “Bao lời chê khen chỉ là tập quán/Nợ nần ân oán bầu gánh suốt đời”. Đôi lúc anh cũng muốn bỏ nghề “quản gia sân khấu”.
“Không phải vì khó khăn kinh tế, vì đã chấp nhận nghề là bước vào cuộc đấu, nhưng cái nản của tôi chính là thế thái nhân tình. Mình cũng giống như người đưa đò. Nhiều người qua đò rồi ít khi ngoảnh mặt lại. Để duy trì hoạt động sân khấu, 12 năm qua tôi làm thêm nghề tay trái để có nguồn phụ chi cho sân khấu. Ông bà xưa đã nói rất rõ, không có sân khấu nào đẻ ra đại gia, chỉ có đại gia đi làm sân khấu thôi và họ làm chỉ vì đam mê”, anh tâm sự.
Hai năm qua, ông bầu giỏi nghề Huỳnh Anh Tuấn đã từng bước chuyển giao công việc lại cho con và cháu vì ngưỡng tuổi U60 không cho phép anh lăn xả hết sức vào bao nỗi lo toan của nghiệp như thời trai trẻ. Con và cháu anh đang từng bước quản lý Sân khấu múa rối Nụ Cười và múa rối nước Rồng Vàng, làm quen dần với công tác quản lý hành chánh và nhân sự Sân khấu kịch Idecaf. Hai bạn trẻ còn có dự tính thành lập riêng một sân khấu cho thiếu nhi.
Thực tế, không có ai truyền nghề làm bầu cho con cháu, vậy nên để tìm kiếm một lớp trẻ kế thừa rất khó. Ví như, nữ nghệ sĩ Bình Tinh hiện đang tạm thời lèo lái Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long trong muôn nỗi khó khăn, từ quản lý nhân sự, lo nguồn kinh tế để duy trì tổ chức biểu diễn, lo điểm diễn, bán vé, chọn tác phẩm dàn dựng, tập luyện cho dàn diễn viên trẻ; nghệ sĩ Gia Bảo, cháu nội NSƯT Bảo Quốc, thi thoảng đầu tư dàn dựng một số chương trình sân khấu cải lương để tiếp nối nghiệp làm bầu của dòng họ...
Thế nhưng, số lượng người trẻ theo đuổi nghiệp làm bầu vẫn rất hiếm hoi. Ai cũng lo, đến một ngày, khi không có người trẻ tiếp nối, liệu sân khấu TPHCM còn giữ được sự sôi động, như một thời đã qua?