Trong những tháng gần đây, lực lượng chức năng tại vùng Đông Nam bộ liên tiếp phát hiện ra nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả thương hiệu, hàng không có hóa đơn chứng từ... Vì lợi nhuận “khủng” nên không ít đối tượng tìm cách “ngụy trang” bằng nhiều hình thức để đối phó ngành chức năng.
Tấp nập thuốc lá lậu
Tỉnh Bình Phước có đường biên giáp với Campuchia khá dài, nên “hấp dẫn” các đầu nậu buôn thuốc lá lậu. Đêm 25-7 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 huyện Bù Đốp (thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bình Phước) phát hiện Võ Vi Huy (33 tuổi, ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang dừng xe 93H-9819 tại thôn 6, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, có dấu hiệu chở hàng lậu. Qua kiểm tra, trong xe của Huy có 4.000 gói thuốc lá nhãn hiệu nước ngoài và 2,5 tấn đường, xuất xứ từ Campuchia và Thái Lan nhưng không có giấy tờ nhập khẩu. Huy khai nhận chở thuê số hàng trên đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) tiêu thụ. Đây là vụ vận chuyển thuốc lá lậu được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Bù Đốp.
Sau nhiều ngày theo dõi, cuối tháng 6-2015, Đội Phòng chống buôn lậu, thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang ô tô tải ngụy trang chở trái cây, bên trong giấu 2.310 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương). Các đối tượng đi trên xe gồm tài xế N.V.G. (25 tuổi, quê An Giang), chủ hàng T.T.H. (38 tuổi, quê Tây Ninh) cùng một người đàn ông khác đã bị tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra.
Lực lượng QLTT tỉnh Đồng Nai kiểm tra điểm mua bán thuốc lá ngoại nhập lậu tại TP Biên Hòa.
Ở sâu trong nội địa, chiều 30-7 vừa qua, PC46 - Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai) phát hiện hơn 1.000 bao thuốc lá lậu tại tiệm tạp hóa Cô Hà ở đường Võ Thị Sáu, KP7, phường Thống Nhất (TP Biên Hòa, Đồng Nai) do bà Lê Thị Hà làm chủ. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Hà thừa nhận hành vi sai phạm. Toàn bộ số thuốc lá nhập lậu trên đã bị lực lượng chức năng tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tràn lan hàng giả thương hiệu
Ngoài hàng lậu, thời gian qua tại khu vực Đông Nam bộ cũng liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp sản xuất, buôn bán hàng nhái thương hiệu; vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ.
Mới đây, vào rạng sáng 31-7, trên quốc lộ 1A, đoạn qua ngã tư Vũng Tàu (thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa), Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) phối hợp với PC46 - Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra ô tô tải 51C-502.86, do tài xế Trương Nhật Sang (26 tuổi, thường trú tại tỉnh Lâm Đồng) điều khiển theo hướng từ TPHCM đi Đà Lạt, phát hiện trong xe chở hơn 4,3 tấn quần áo các loại (trong đó có quần áo quân trang), cùng nhiều giỏ xách có gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tài xế Trương Nhật Sang khai chở thuê số hàng trên từ một đầu mối tại quận 5 (TPHCM) về Đà Lạt để giao lại cho các cửa hàng tiêu thụ.
Tại Bình Dương, tình hình gian lận thương mại có lẽ sôi động nhất vùng. Các mặt hàng điện tử, điện dân dụng, vải nguyên liệu… được các đối tượng vận chuyển bằng tàu lửa từ các tỉnh phía Bắc vào Nam, tập kết tại ga Sóng Thần (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Trong 7 tháng qua, Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương phối hợp với PC46 - Công an tỉnh Bình Dương tổ chức 5 đợt kiểm tra đột xuất tại ga Sóng Thần, phát hiện lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ. Trong đó, có 110 xe ba gác máy, 2.000 đầu thu kỹ thuật số, 1.800 màn sáo, 28.060 đèn Led, 500 hộp dụng cụ đa năng, 40 bao nút áo, 340 micro không dây, 3.390 đơn vị sản phẩm là phụ tùng ô tô các loại…
Song song đó, Cục Hải quan Bình Dương cũng phát hiện gần 10 vụ gian lận thương mại với các vi phạm chủ yếu là mua, bán sản phẩm, nguyên phụ liệu gia công, sản xuất, xuất khẩu không hợp pháp vào thị trường nội địa; vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ hợp pháp; khai sai chủng loại, số lượng hàng hóa nhập khẩu; khai sai tên hàng, mã số để giảm thiểu số thuế phải nộp; sử dụng hàng hóa thuộc diện miễn thuế không đúng mục đích. Kết quả, đơn vị đã chống thất thu cho ngân sách nhà nước trên 21 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước… nhiều đối tượng còn sử dụng chiêu thức mua hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan có chất lượng kém, sau đó đóng gói vào bao bì giả mạo nhãn hiệu, nhãn hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền để bán ra thị trường hoặc trà trộn trong các gói quà cho công nhân. Nổi bật là việc trà trộn bột nêm Knorr giả nhãn hiệu vào trong 5.700 gói quà tết của công nhân ở Bình Dương vào dịp tết vừa qua. Một số mặt hàng, quần áo, giày dép, túi xách có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng đang bày bán công khai trên thị trường nhưng cơ quan chức năng cũng khó xử lý vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không hợp tác...
Chủ động ngăn chặn
Ghi nhận từ đầu năm đến nay, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu từ vùng biên giới Tây Nam vào các tỉnh vùng Đông Nam bộ có xu hướng tăng. Theo ông Trần Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, trong 7 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra hơn 6.100 vụ, phát hiện gần 2.600 vụ vi phạm, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 250 tỷ đồng.
Còn cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho hay, thuốc lá ngoại nhập lậu được bày bán tại đa số các điểm kinh doanh tạp hóa, nhưng thường với số lượng ít hoặc khi bán hết hàng mới tiếp tục mua mới nên phát hiện vi phạm số lượng không lớn, mức phạt không đủ răn đe. Ông Võ Khắc Như, Đội trưởng Đội QLTT số 2 - Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Đối với địa phương, tình hình buôn lậu có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Vì hiện tại ở tuyến biên giới giáp Campuchia, lực lượng chức năng của các tỉnh đang siết chặt vấn đề này nên nguồn hàng tuồn vào các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hạn chế hơn. Lực lượng QLTT của tỉnh cũng đang tăng cường kiểm tra để hạn chế tình hình buôn lậu thuốc lá ngoại, cũng như gian lận thương mại”.
ĐỨC TRUNG - VĂN HUY