Cái tên Julian Assange từng trở thành quả bom thời sự khi trang web WikiLeaks của ông tiết lộ hàng trăm ngàn trang tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ. Giờ đây, cái tên quen thuộc này một lần nữa trở thành quả bom ngoại giao giữa các nước mà ông đã cố tình hay vô tình lôi kéo họ vào rắc rối của mình.
Quan hệ giữa Anh và Ecuador trở nên căng thẳng vào ngày mà Assange chạy vào xin tỵ nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London. Dù đã được Ecuador cấp quy chế tỵ nạn nhưng việc làm thế nào an toàn ra khỏi nước Anh và không bị dẫn độ về Thụy Điển để xét xử tội quấy rối tình dục, rồi dẫn độ sang Mỹ xét xử tội tiết lộ bí mật quốc gia thật sự là một cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý căng thẳng. Ecuador cũng dọa sẽ nhờ đến Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) nếu Anh không cho phép Assange rời khỏi nước này.
Theo như tuyên bố của người phát ngôn WikiLeaks được truyền hình Nga Russia Today trích dẫn: “Assange sẵn sàng tới Thụy Điển để điều tra cáo buộc quấy rối phụ nữ nếu Thụy Điển đảm bảo không dẫn độ ông sang Mỹ”.
Từ Thụy Điển, bà Cecilia Riddselius, một quan chức của Bộ Tư pháp nước này, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Frankfurter Rundschau, khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ đẩy một người đến án tử hình”. Bà Riddselius thêm rằng điều đó có nghĩa Chính phủ Mỹ phải đảm bảo với Thụy Điển rằng ông Assange sẽ không bị án tử hình trong bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, bà khẳng định Thụy Điển chưa nhận được bất cứ yêu cầu dẫn độ nào từ Washington.
Như vậy, số phận của ông Assange giờ đây đang phụ thuộc vào các nước Anh, Ecuador, Thụy Điển và Mỹ. Những người ủng hộ Assange cho rằng ông là nạn nhân trong một chiến dịch của Mỹ nhằm đưa về Mỹ xét xử tội làm lộ thông tin bí mật quốc gia.
Xét về luật, cả Anh, Thụy Điển và đa số các nước châu Âu không cho phép dẫn độ sang Mỹ một người có khả năng bị án tử hình vì đa số các nước ở châu Âu đã bỏ án tử hình. Thế nhưng, người ta có thể hình dung ra một kế hoạch, theo đó Anh hoặc Thụy Điển sẽ để ngỏ khả năng các quan chức Mỹ tới hai nước này bắt Assange để đưa về Mỹ xét xử. Khả năng này với Anh nhiều hơn vì Anh luôn là đồng minh thân cận của Mỹ.
Chính phủ Anh cũng bị chia rẽ về vấn đề này. Ngoại trưởng William Hague ủng hộ việc tấn công vào Đại sứ quán Ecuador để bắt Assange trong khi Phó Thủ tướng Nick Clegg thuộc đảng Dân chủ Tự do và Bộ trưởng Tư pháp Ken Clarke phản đối.
Trong khi đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho biết ông sẵn sàng để Assange trú ngụ tại Đại sứ quán Ecuador “vô thời hạn”, đồng thời cho biết sẽ mở ra khả năng đối thoại với Anh nếu London từ bỏ ý định tấn công vào đại sứ quán. Tổng thống Ecuador tái khẳng định Ecuador không muốn cản trở việc Assange bị điều tra xét xử ở Thụy Điển nhưng chống lại khả năng Assange bị dẫn độ sang Mỹ và ông cũng yêu cầu Anh đảm bảo Assange không bị dẫn độ sang Mỹ.
Như vậy, có thể thấy rằng cuộc đấu tranh của Julian Assange hiện nay là cuộc chiến sống còn bằng mọi giá để không bị dẫn độ sang Mỹ, vì hơn ai hết Assange hiểu rõ ông đã làm Washington tức giận như thế nào cũng như hình dung được kết cục của mình khi nhìn vào trường hợp của Bradley Manning, binh sĩ Mỹ tại Iraq, nghi can chính cung cấp nguồn tin cho WikiLeaks sẽ ra tòa vào tháng 9 tới với tội danh “giúp đỡ kẻ thù” với mức án có thể là chung thân.
Khánh Minh