
Một buổi sáng, K’Sor Nan thức dậy, cố mở to cả hai mắt nhưng quanh anh chỉ là bóng tối mù mịt. Sợ quá, Nan xoa, dụi con mắt đến chảy máu mà vẫn bị miếng “vải đen” bịt kín mắt. Anh ngã phịch xuống đất và bất lực nhìn vào bóng tối khóc rưng rức khi quanh anh xôn xao tiếng vợ con hỏi chuyện. Con bé Rơh Ma H’Na, 5 tuổi, con gái anh bị mù từ khi lọt lòng bò đến bên cạnh bố, đưa tay rờ cả hai hàng nước mắt của cha...
Hai cha con họ, nằm mơ cũng không nghĩ nổi có ngày sẽ sáng mắt như hôm nay... Chẳng phải là chuyện cổ tích, mà đấy là một trong gần 2.000 câu chuyện đổi đời đang diễn ra ở vùng đất Tây Nguyên...
Đang là lao động chính nuôi vợ và 7 con nhỏ, tự dưng bị “Giàng phạt” lấy đi ánh sáng con mắt. Không đành lòng ngồi xó nhà để nghe bước chân vợ tất tả đi lại, ngược xuôi bẻ bắp và hái ít rau rừng đem ra chợ xa bán để nuôi chồng mù và đàn con 7 đứa nheo nhóc, K’Sor Nan mò mẫm ra vườn bắp đang trổ hoa định làm cỏ.
Con đường nhỏ quen thuộc bao năm, bây giờ sao nó lạ thế”, K’Sor Nan ngã lên ngã xuống bao lần mà anh chẳng làm được việc gì. Nằm lăn ra đất, K’Sor Nan rơi nước mắt nghĩ thương vợ con, tủi phận mình, anh chỉ biết kêu “Giàng ơi! Cứu con”.
Khi nghe tin mình được tỉnh cho đi mổ mắt mù miễn phí, K’Sor Nan không tin vào tai mình nữa. Anh lắp bắp hỏi đi hỏi lại y tế huyện mấy lần. Nôn nao và mừng vui quá lớn đến nỗi K’Sor Nan đã thức trắng mấy đêm liền để chờ đợi. Và trong bóng tối mịt mù ấy anh như đã nhìn thấy cuộc đời mới đầy ắp màu xanh núi rừng và nắng gió Tây Nguyên.
Mở băng băng mắt một lúc, Nan nhướn to mắt nhìn vào phía trước và anh la toáng lên: “Giàng ơi, ông Đảng ơi, mình nhìn thấy mặt người rồi”. Và anh đi như chạy về nhà, không cần ai dắt tay như lúc đi.

Niềm vui của cha con anh K'Sor Nan, tỉnh Gia Lai, sau khi được mổ mắt.
Điều bất ngờ lớn khi chúng tôi trở lại xã IA Trok để thăm gia đình K’sor Nan, đó là con bé Rơh Ma K’Na, 5 tuổi, chạy ù từ cuối sân đến giật cái bọc bút chì trên tay chị nó, đang đứng cạnh chúng tôi. Chúng tôi không quên được hình ảnh vài tháng trước, con bé xinh xắn dò dẫm từng bước chân tội nghiệp cố nhướn đôi mắt đục trắng để nhìn người đang cầm tay nó đưa bánh.
Khuôn mặt chịu đựng và buồn thảm của K’Na khi đưa những ngón tay bé xinh rờ rẫm vỏ bao cái bánh Chocopie, đưa bánh lên mũi và nghiêng đầu hếch đôi mắt đục trắng về phía người đưa bánh như để tưởng tượng... khiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai lặng đi. Ông hỏi: “Mắt con bé có thể chữa được không?”.
“Được, nhưng tốn kém lắm, ở đây không mổ được, phải chuyển cháu về thành phố mới mổ được”, cán bộ y tế huyện nói thế. Một quyết định đổi đời cho số phận bé bỏng được Bí thư Tỉnh ủy quyết ngay tại góc sân nhà anh K’Sor Nan. Trong hạnh phúc bất ngờ, K’Sor Nan nắm tay ông Bí thư tỉnh nói run giọng: “Hai cha con mình sáng mắt là người cả nhà mình cám ơn Đảng, Nhà nước với ông bí thư “biết” (chịu khó) đi xa lắm đấy”.
K’Sor Nan chỉ cái chuồng heo xây dở dang nói: “Mình muốn xin vay 2 triệu đồng làm chuồng nuôi heo, lấy phân trồng cây sau vườn làm kinh tế nuôi con đi học, nhưng nhà mình nghèo không có gì thế chấp cho ngân hàng nên nó chưa cho mình vay. Mình hết mù rồi sẽ cùng cả nhà lao động chăm chỉ trả nợ nhà nước được mà...”. Sau khi nghe chuyện gia đình Nan và dự định làm ăn của anh, Bí thư Tỉnh ủy đã “tín chấp” cho K’Sor Nan vay 2 triệu đồng ngay chiều ấy.
Ngày 10-4 vừa qua, xã Ia Trok của K’Sor Nan vốn là quê của K’Sor Kok, khi bọn tay chân của K’Sor Kok đến nhà rủ rê, lôi kéo Nan đi biểu tình anh đã kiên quyết không đi. Tôi hỏi vì sao Nan không đi, anh nói ngay: “Mấy năm mình mù có thấy bọn thằng K’Sor Kok đến rủ mình đi mổ mắt mù bao giờ đâu. Nhà nước mới giúp cho mình, sáng con mắt nhìn, chưa trả ơn gì sao mình đi theo bọn xấu chống lại nhà nước mình được. Với lại bọn thằng Kok có cho dân vay tiền làm ăn đâu, toàn xúi làm chuyện bậy bạ thôi, mình không tin nó đâu mà”.
Thằng Rơh Ma Vim, 16 tuổi, học hết lớp 5 phải nghỉ học, đi làm thuê phụ mẹ nuôi cha mù lòa và các em, nay cũng muốn đi học lại. Thằng Rơh Ma Van, 10 tuổi, năm nay lên lớp 5 nghe chúng tôi hứa - Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ tặng em một chiếc xe đạp để đi học đã nhảy cẫng lên nói líu lo những điều gì đó với mẹ nó.
Con bé Rơh Ma K’Na thấy thế cũng đòi cha cho đi học mẫu giáo xã vì: “Mắt con hết bị màu đen rồi mà”. K’sor Nan bế thốc con bé K’Na lên tay và hai cha con cùng cười to nói với chúng tôi giọng rất vui: “Mình được vay tiền chăn nuôi làm ăn nhé, thằng Van sẽ được học hết lớp ở cái trường xã mình có, thằng Vin sẽ cho đi học lại vì mình đã hết mù sẽ đi làm thay cho con được rồi. Con K’Na hết mù, năm nay cũng sẽ được đi học mẫu giáo nữa chứ...”.

Cụ bà Rơh Lan Bui, 76 tuổi, đã khóc khi tìm lại ánh sáng sau hơn 30 năm mù lòa. Ảnh: T. Th.
Người dân tộc thiểu số, do hạn chế về kiến thức thường cam phận sống trong mù lòa bởi họ cho rằng “Giàng bắt mù, phải chịu thôi, nhà nước không có phép thuật gì làm sáng mắt được đâu”, do vậy ban đầu khi vận động họ đi mổ mắt mù rất khó. Bà Rơh Lan Bui, 76 tuổi ở xã A Ma Rơh, huyện Ia Pa. Khi y tế huyện đến vận động bà đi mổ mắt, bà nại đủ thứ lý do để không đi, nào là - “Tao đang mệt lắm, đi không có nổi”. “Mệt có xe đón mà có đi bằng chân đâu”, “Tao đi hai con chó sẽ đói mà chết thì sao? “. y tế bảo sẽ cho luôn cả hai con chó bà xuống bệnh viện huyện.
Không còn lý do gì để từ chối, cuối cùng bà bảo: “Giàng bắt mù, nhà nước có pháp thuật gì mà làm sáng con mắt được?”. Vận động, giải thích mãi, cuối cùng bà miễn cưỡng lên xe xuống huyện cùng hai con chó. Ngày mở băng mắt, bà nhìn thấy “ông người trắng” đã hết hồn ngỡ là nhìn thấy Giàng.
Khi biết đó là ông Bí thư Tỉnh ủy, bà đã nói không ra hơi vì xúc động: “Giàng ơi, cái nhà nước này mở cái mắt tối được thật rồi...” và bà khóc sụt sịt...Trên đường về nhà, bà lầm bầm mãi : “Giàng ơi, nhà nước nó có phép mở được cái mắt tối thật rồi...”.
Anh Rơh Lan Tôn, Phó Chủ tịch huyện Ia Pa, đi cùng chúng tôi đã kể về 99 câu chuyện đổi đời ở huyện Ia Pa với những đổi thay tưởng chừng như chỉ có trong những câu chuyện cổ tích xa xưa mà chuyện của K’Sor Nan và bà Bui là một trong gần 2.000 câu chuyện cổ tích thời nay đang có ở Gia Lai…
PHẠM THỤC