
Tiếp theo lời giới thiệu kỳ trước, trong số này, Tuần san SGGP Thứ Bảy xin lược qua lịch sử giáo dục giới tính trên thế giới. Cụ thể các nước tiên tiến trên thế giới bắt đầu giáo dục giới tính (GDGT) lúc nào? Dường như Mỹ và Thụy Điển được xem là hai “đàn anh” đi đầu về GDGT. Thực ra Mỹ đi trước mà về sau Thụy Điển khoảng 30 năm.
- Mỹ & Thụy Điển
1910: R. C. Bowl (Mỹ) viết 30-40 trang về những nguy hại do quan hệ xác thịt bừa bãi (the dangers of bad companions). Nhưng xã hội thực sự chưa có khái niệm GDGT.
Có công mở đường GDGT ở Mỹ và Thụy Điển là hai phụ nữ. Những người đầu tiên cộng tác với PP của M. Sanger đều là hàng nữ lưu tiến bộ.M. Sanger (ngồi giữa, ảnh chụp khoảng năm 1921), vây quanh là các thành viên nữ của Liên đoàn Kế hoạch hóa Sinh đẻ Mỹ (the American Birth Control League).Ảnh tài liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ (http://www.archives.gov/publications/...).
1915: Margaret Sanger (Mỹ) viết Những điều nam nữ nên biết (What every boy and girl should know). Bà là người tiên phong trên thế giới đề xướng sinh đẻ có kế hoạch và lập tổ chức PP (Planned Parenthood: sinh đẻ có kế hoạch). Bà viết và xuất bản Đấu tranh cho sinh đẻ có kế hoạch (The fight for birth control, NXB Max Maisel, New York, 1916).
1920-1929: Tổ chức PP của Sanger lập các phòng khám chuyên khoa (clinics) dành cho người lớn kế hoạch hóa sinh đẻ, nhưng chưa quan tâm tới tuổi thiếu niên. Việc ngừa thai và GDGT cho thiếu niên chưa được Mỹ chú ý. PP có ảnh hưởng ra nước ngoài, như Thụy Điển. Nước đầu tiên triển khai GDGT ở cấp quốc gia (national sex education) là Thụy Điển.
1933: Thụy Điển thành lập Liên đoàn Quốc gia GDGT (The National League for Sex Education), Chủ tịch là bà Eliesse Addison Jensen. Rồi bà làm Chủ tịch Liên hiệp Quốc tế Kế hoạch hóa Sinh đẻ (IPPF: the International Planned Parenthood Federation, 1950).
1941: Liên đoàn Quốc gia GDGT của Thụy Điển lần đầu tiên tổ chức khóa huấn luyện GDGT mùa hè (Summer Institute), quy tụ các nhân viên công tác xã hội và giáo chức… để giúp họ chuyên trách GDGT.
1946: Tổ chức PP của Sanger dự hội nghị GDGT tại Thụy Điển do Liên đoàn Quốc gia GDGT bảo trợ. PP chịu ảnh hưởng của Thụy Điển về “quyền hưởng GDGT của giới trẻ: the right of every young person to receive sex education”. Tuy nhiên luật pháp và xã hội Mỹ chưa áp dụng GDGT cho thiếu niên, họ muốn quan sát và rút tỉa kinh nghiệm của Thụy Điển.
1957: Thụy Điển chính thức áp dụng GDGT toàn quốc; GDGT trở thành một quyền và nghĩa vụ bắt buộc của mọi học sinh.
1964: Hội đồng Thông tin và GDGT Mỹ (SIECUS: the Sex Information and Education Council of the US) được thành lập.
1966: Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ (NEA: The National Education Association) tán thành GDGT. Hội đồng Thông tin và GDGT Mỹ (SIECUS) được ngân sách liên bang tài trợ để thực hiện cẩm nang GDGT dành cho giáo chức (teacher training manuals).

Chân dung Margaret Sanger trên tờ bướm hội nghị về sinh đẻ có kế hoạch (New York, 29-1-1917).
1967: Tổ chức PP tán thành chủ trương trợ giúp thiếu niên toàn quốc kiểm soát sinh đẻ. Trong thập niên 60, các trường tư ở Mỹ do Giáo hội Tin Lành và Thiên Chúa thành lập vẫn không tán thành GDGT (đến thập niên 80 mới được các Giáo hội dè dặt cải thiện, một phần do bị đại dịch HIV/AIDS đe dọa).
1970: Các chương trình của PP được ngân sách liên bang tài trợ. Viện Quốc gia Tâm thần (NIMH: the National Institute of Mental Health) cũng tài trợ PP huấn luyện chuyên viên GDGT (sex educators).
1980: Lần đầu tiên Quốc hội Mỹ thảo luận về Đạo luật Đời sống Gia đình Thiếu niên (AFLA: Adolescent Family Life Act).
1981: Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Reagan, Quốc hội thông qua đạo luật AFLA. Vì AFLA khuyến khích thiếu niên tiết dục nên người Mỹ gọi đây là “đạo luật giữ gìn trinh bạch: Chastity Act”. Sau này tổng thống Bush cũng ủng hộ dạy trẻ tiết dục (abstinence: tự kiềm chế ham muốn để xa rời sắc dục).
Cho tới 1989: Các bang của Mỹ nối tiếp nhau thực thi GDGT mang tính pháp lệnh (mandatory sex education) như chính sách của Thụy Điển.
- ANH
Thành viên NARAL Pro-Choice America (thành lập 1969, chống lại các chính sách hạn chế phá thai) đang biểu tình yêu cầu để cho phụ nữ có quyền lựa chọn mang thai hay phá thai (pro-choice). Ảnh: http://studentorgs.gwu.edu/vfc/Resources/
1920-1929: Học sinh được dạy vệ sinh (hygiene). Nữ sinh lớp lớn được dạy phải tự trọng, tự kiềm chế, và biết e lệ chân thật (self-reverence, self control, true modesty). Nam sinh trước ngày ra trường được dạy về những cám dỗ xác thịt khi làm việc trong nhà máy, xưởng thợ.
1939-1945: Thế chiến II làm dân số chuyển dịch đông đảo và đời sống lính tráng… làm lây lan bệnh tình dục. Nhà trường bắt đầu dạy học sinh ngừa bệnh tình dục.
1950-1969: GDGT còn “ẩn mình” trong môn sinh vật học (biology). Nhà trường dạy lý thuyết suông (không quan sát) về quá trình sinh sản của thực vật và động vật. Nam sinh được dạy rằng thủ dâm (masturbation) có hại cho sức khỏe.
1970-89: Sách giáo khoa sinh vật nói kỹ hơn về việc con người sinh sản và biện pháp ngừa thai. Quan hệ giao tiếp nam nữ được dạy ở các môn xã hội. Các nhà hoạt động bảo vệ nam nữ bình quyền (feminists) yêu cầu dạy cho nữ sinh biết không thể tin cậy khả năng tự chủ của bạn nam; chính thái độ đúng đắn của nữ sẽ giúp nam cư xử có trách nhiệm.
Biên niên trên đây cho thấy trước khi trở thành chính sách quốc gia, GDGT ở Mỹ phải mất vài chục năm “đi vòng”. Từ đó dễ hiểu là GDGT càng khó triển khai ở các xã hội còn chịu nhiều chi phối của luân lý cổ truyền, nhất là ảnh hưởng tôn giáo.
Tham khảo |
TRẦN THẾ HƯƠNG
Thông tin liên quan |