Giáo dục nhân cách, ngăn chặn hành vi bạo lực

Giáo dục nhân cách, ngăn chặn hành vi bạo lực

LTS: Qua những vụ thảm sát gây rúng động dư luận thời gian gần đây, có điều đáng chú ý là những kẻ thủ ác đều ở tuổi đời còn rất trẻ, đã xuống tay một cách tàn bạo đối với các nạn nhân. Các nhà giáo đã gửi về Báo SGGP những ý kiến tâm huyết về việc giáo dục nhân cách, ngăn chặn hành vi bạo lực.

Giáo dục lòng nhân ái

Những kẻ gây ra những vụ thảm sát trong thời gian gần đây đều ở lứa tuổi 20, giết nhiều người trong một gia đình chỉ vì hận tình, xích mích, xung đột nhỏ… Có thể nhận thấy 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi dã man như vậy: một bộ phận thanh niên thiếu sự giáo dục chặt chẽ từ gia đình; sự mông muội, thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật; thiếu kỹ năng sống, nhất là kỹ năng làm chủ cảm xúc và xử lý tình huống khi xung đột; các biện pháp phòng ngừa và xử lý của chính quyền chưa đủ sức răn đe.

Một thanh niên có hành vi quấy rối trật tự công cộng bị bắt giữ. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Để loại trừ hành vi bạo lực, trước hết, cần coi trọng việc giáo dục gia đình. Lứa tuổi 20 thường có nhiều mối quan hệ phức tạp, có sức khỏe mạnh mẽ, có khát vọng, hoài bão, song lại thiếu kinh nghiệm, thiếu khả năng làm chủ, tâm lý còn xốc nổi, liều lĩnh, tùy tiện. Do đó, khi con vào lứa tuổi này, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, vì dù con đã lớn nhưng vẫn cần được sự uốn nắn điều chỉnh từ cha mẹ, vẫn cần có sự động viên, khuyên bảo, nhắc nhở hàng ngày, nếu không sẽ dễ dẫn đến các hành vi tùy tiện và vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong gia đình cha mẹ phải thực sự là tấm gương cho con học tập. Tất cả lời nói và hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Nếu cha mẹ thường xuyên sống tình nghĩa, yêu thương con cái và cả những người xung quanh, thì con cũng từ đó mà thẩm thấu trong suy nghĩ và hành động. Nếu như cha mẹ thường xuyên xung đột, thì con cái sau này lớn lên cũng bộc lộ khuynh hướng xung đột. Hình ảnh xung đột giữa cha và mẹ bao giờ cũng để lại vết hằn trong tâm trí của trẻ, khi gặp điều kiện thì mầm mống đó sẽ có cơ hội bộc phát. Cha mẹ không bao giờ được xung đột gay gắt trước mặt con, vì đó là nguyên nhân dẫn đến thói hung hăng, tàn bạo của con người.

Các địa phương cần tăng cường giáo dục pháp luật, hình thành kỹ năng sống. Đã có nhiều vụ án xảy ra ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu am hiểu pháp luật và thiếu kỹ năng sống. Cần lựa chọn những kiến thức luật đáp ứng yêu cầu cơ bản, cụ thể, dễ hiểu phù hợp với trình độ nhận thức của các đối tượng, đừng quá mang nặng tính hình thức, lý thuyết. Các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ phải thực sự nắm bắt tâm lý, tư tưởng của quần chúng nhân dân; thường xuyên tổ chức các cuộc nói chuyện, hướng dẫn kỹ năng sống thiết thực, gần gũi qua các tình huống giả định cho các đối tượng nhất là thanh niên nông thôn. Cần khắc phục tình trạng buông lỏng, thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật ở một số địa phương khiến một số thanh thiếu niên tỏ ra liều lĩnh, coi thường pháp luật. Đặc biệt, cần chú trọng việc cảm hóa, xử lý những thanh niên hay quấy rối trật tự công cộng, chửi bới, đánh đập người khác.

Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG
(Giảng viên tâm lý học Trường Đại học Nguyễn Huệ)

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Xung đột dễ dàng xảy ra do mâu thuẫn về kinh tế, về phân chia tài sản, về tình cảm và cả từ những va chạm nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, do bị kích động như lúc say rượu hay “phê” ma túy. Nguyên nhân trước hết của tình trạng bạo lực đang diễn ra hiện nay là do ý thức đạo đức xuống cấp. Nhiều hành vi lệch chuẩn, trái với đạo đức truyền thống nhưng không bị xã hội lên án mạnh mẽ như trước đây; nhiều mối quan hệ xã hội đang bị thương mại hóa do bị chi phối của đồng tiền. Số vụ bạo lực giữa những người thân với nhau do mâu thuẫn bộc phát nhất thời tăng lên đáng kể. Có nhiều vụ án mạng chỉ vì một va chạm nhỏ, một lời nói thiếu suy nghĩ, thậm chí chỉ vì va quẹt khi tham gia giao thông. Hầu như các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội để thỏa mãn nhu cầu mang tính chất bản năng, ham muốn vật chất tầm thường, hoặc để trả thù hèn hạ. Một nguyên nhân nữa cũng hết sức quan trọng là do trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với từng loại đối tượng và địa bàn dân cư.

Để từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi bạo lực, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật với toàn xã hội. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng và phù hợp với trình độ dân trí. Cần chú trọng việc tăng cường giáo dục lòng nhân ái trong gia đình, xây dựng tình làng nghĩa xóm, đùm bọc thương yêu nhau, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố lành mạnh, văn minh; nâng cao hiệu quả của các tổ hòa giải ở cơ sở, quan tâm giải quyết các bất hòa, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn các yếu tố tác động xấu như  phim ảnh, văn hóa phẩm bạo lực và môi trường xấu. Công tác chăm sóc, giáo dục nhân cách cho thanh thiếu niên nhằm ngăn chặn bạo lực là một công tác lâu dài, liên tục, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

LÊ QUANG HUY
(Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)

Tin cùng chuyên mục