Giáo dục ý thức và đạo đức công dân

Giáo dục ý thức và đạo đức công dân

Ý thức công dân được thể hiện qua việc ứng xử có văn hóa ở nơi công cộng, nơi làm việc, nơi sinh sống và trong gia đình. Tuy nhiên hiện nay có nhiều biểu hiện của sự thiếu ý thức công dân và sa sút về đạo đức. Bạn đọc Báo SGGP lên tiếng về vấn đề này.

  • Từ vô cảm đến vô tâm

Hiện tượng vô cảm trong xã hội chúng ta đang có biểu hiện “nhân bản” đáng ngại. Nhiều người chỉ biết riêng mình và thờ ơ trước những nỗi bất hạnh, rủi ro của những người xung quanh. Nhưng tệ hại hơn cả của sự vô cảm là sự tham lam và độc ác, kiếm chác ngay trên nỗi bất trắc và đớn đau của người khác. Có kẻ lân la trong các bệnh viện để rình rập sơ hở của người bệnh và thân nhân để lấy cắp tiền bạc, lừa đảo. Có kẻ lợi dụng lúc tang gia bối rối để trà trộn vào nhà trộm cắp. Nhưng đó là những con nghiện ma túy hoặc kẻ “bần cùng sinh đạo tặc”.

Gần đây có cả những kẻ không đến mức đói khổ, bức bối gì nhưng vẫn sẵn sàng xúm vào hôi của khi thấy có xe tải chở hàng bị lật, hàng hóa đổ tung ra đường, mặc nhiên xem đó như của “từ trên trời rơi xuống”, tranh thủ chiếm đoạt làm của riêng. Đã có không ít trường hợp khi thấy nạn nhân bị kẻ cướp giật túi xách, tiền bạc, đồ đạc rơi tung tóe, những kẻ đứng gần đó vội lao vào tranh cướp thay vì giúp nhặt cho nạn nhân.

Thậm chí trong một số vụ tai nạn giao thông, cũng có những kẻ chạy đến hiện trường nhưng không phải để cứu người, mà lấy cắp tài sản của các nạn nhân xấu số. Mới đây, tại Đà Lạt xảy ra vụ tai nạn giao thông, một ô tô sau khi tông 3 chiếc xe máy đã lao thẳng xuống hồ Xuân Hương. Một nhân viên bảo vệ đang trực gần đó đã cởi áo khoác, lao ngay xuống nước cứu người. Thế nhưng có kẻ gian nào đó đã lén ăn cắp chiếc điện thoại trong chiếc áo khoác để lại trên bờ của người đang xả thân vì đồng loại. Thật chẳng còn tính người chút nào!

Vì sao trong xã hội ngày càng có nhiều những kẻ táng tận lương tâm như vậy? “Sản phẩm con người”, nếu chẳng may trở thành “thứ phẩm” hoặc “phế phẩm”, trách nhiệm thuộc về cả nhà trường, gia đình và xã hội, mà trong đó, nhà trường giữ vai trò rất quan trọng. Do vậy, cần xem xét lại một cách cẩn trọng và thay đổi triệt để nội dung giáo dục đạo đức - công dân trong nhà trường, sao cho thiết thực, phù hợp, thay vì chung chung, xa rời thực tế như hiện nay. Về trách nhiệm của gia đình và xã hội, cần nhất sự nêu gương, không “nói một đàng, làm một nẻo”, đừng để trẻ bị ảnh hưởng bởi thói xấu, sau này lớn lên rất khó sửa.

Phan Trọng Hiền (Bình Thạnh, TPHCM)

  • Khi sự thiếu ý thức trở thành bình thường

Hiện nay, nhiều biểu hiện của sự thiếu ý thức lại trở thành điều bình thường. Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu đỏ, mọi người dừng xe sau vạch trắng để chờ đèn xanh. Vẫn còn 3 giây nữa mới hết đèn đỏ, đã nghe tiếng còi inh ỏi giục giã từ các xe ở đằng sau thúc xe phía trước chạy. Khi đang chạy xe mà gặp đèn vàng, nếu ai thắng xe lại để chờ đèn đỏ, lập tức sẽ bị nhiều người đi sau than phiền, thậm chí chửi bới sao không vượt đèn vàng luôn mà dừng lại.

Một hiện tượng khá phổ biến dễ gặp nữa là việc chạy xe lên vỉa hè, chạy lên các bãi cỏ ở vệ đường khi xảy ra kẹt xe. Khi đó, ai cũng mong muốn thoát khỏi kẹt xe bằng mọi cách, nhưng cách này không hiệu quả mà lại càng làm cho tình trạng kẹt xe trở nên hỗn loạn hơn. Rõ ràng, sự thiếu ý thức trong tham gia giao thông đã được nhiều người “hưởng ứng” và nó trở nên rất bình thường. Không chỉ biểu hiện ở mặt giao thông, trong cuộc sống, sự thiếu ý thức đã trở nên bình thường ở rất nhiều mặt khác: đổ rác không đúng nơi quy định, mở nhạc ồn ào gây phiền hà các nhà lân cận… Đó là những biểu hiện không tốt cho sự phát triển, hướng tới cuộc sống văn minh, hiện đại. Do vậy, ý thức công dân cần được nâng cao bằng những biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục và điều rất quan trọng là lành mạnh hóa xã hội…

Lê Đặng (Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục