Giáo viên tiểu học: Những người lái đò tận tụy

9 giáo viên tiểu học được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, dù tuổi đời, tuổi nghề và điều kiện công tác khác nhau, nhưng các cô đều gặp nhau ở tinh thần chịu thương chịu khó. Không chỉ truyền dạy kiến thức, các cô còn uốn nắn về đạo đức, xây đắp những viên gạch nhân cách đầu đời cho học sinh. 

Nâng niu từng con chữ

Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đối với cô Phạm Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học An Thới Đông (huyện Cần Giờ) mang ý nghĩa thật đặc biệt. Ngày bước lên sân khấu nhận giải thưởng cũng là ngày cô chính thức chia tay “nghiệp đưa đò” sau 32 năm gắn bó. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, cô Mai rất tự hào vì những đóng góp của mình đã được xã hội ghi nhận. Thành công hôm nay không chỉ mang vị ngọt của hạnh phúc mà chở theo cả vị mặn của mồ hôi và những giọt nước mắt. Lặng lẽ đưa nhiều thế hệ học trò “sang sông”, nhìn các em khôn lớn, trưởng thành, chính là cách cô Mai chọn để đền đáp công ơn của những người thầy đã dìu dắt khi cô còn ngồi trên ghế nhà trường. Nghề giáo tuy không mang lại cho cô nhiều giá trị vật chất, nhưng giúp cô thấy được ý nghĩa cao quý của trách nhiệm trồng người. 

Cô Phạm Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học An Thới Đông (huyện Cần Giờ) trong giờ lên lớp (hình chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát)

Khi được hỏi về điều tâm đắc nhất trong suốt quá trình đi dạy, cô Mai cho rằng, nét chữ là nết người. Những buổi đầu tiên nhận lớp, cô luôn dành nhiều thời gian hướng dẫn học sinh cách viết chữ đúng mẫu. Cô còn tỉ mẩn phân tích từng nét cấu tạo, trình tự các nét viết giúp học sinh có chữ viết liền mạch, độ cao và độ rộng phù hợp. Trước đó, bản thân giáo viên đã có quá trình tự rèn luyện, nắm vững kỹ thuật và quy trình viết chữ để có chữ viết vừa đẹp vừa đúng chuẩn hướng dẫn cho học sinh. 

Cô Trương Thị Lan Phương, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (quận 7, TPHCM), hướng dẫn học sinh

Ngoài ra, về công tác chủ nhiệm lớp, cô luôn tâm niệm, giáo dục học sinh không chỉ ở góc độ học tập mà cả ở việc động viên các em tham gia các phong trào của trường lớp, từ đó giúp học sinh rèn luyện đạo đức, lối sống và tác phong tích cực. Trẻ ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều của lối sống gia đình, chưa kể các tác động từ môi trường mạng, giao tiếp xã hội bên ngoài. Vì vậy, trách nhiệm của giáo viên tiểu học là phải xóa đi những mảng đen chớm hình thành, hướng học sinh đến những hành vi và suy nghĩ tích cực, trở thành người có ích cho xã hội.

Không chùn bước trước khó khăn

Là giáo viên trẻ nhất trong số 9 giáo viên tiểu học được trao giải thưởng năm nay, cô Trương Thị Lan Phương, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (quận 7) thừa nhận, thành công không đến từ nỗ lực của cá nhân mà cần sự hỗ trợ của cả tập thể. Tự kể về mình, cô Lan Phương cho biết, trước đây mình là người khá nhút nhát. Nhờ sự động viên của đồng nghiệp, cô liều lĩnh đăng ký tham gia một số hội thi nhưng đều thất bại. Song, chính những vấp ngã đó đã tạo nên một cô giáo Lan Phương mạnh dạn, tự tin và trưởng thành hơn trong công việc. 

Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng học sinh lớp 2, cô Lan Phương cho biết, đây là khối lớp chuyển tiếp giữa những bỡ ngỡ ban đầu của học sinh lớp 1 lên các khối lớp cao hơn, đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng buộc người giáo viên phải kiên trì, mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp đổi mới nhằm giúp học sinh tiếp thu nhanh kiến thức và kỹ năng. Chia sẻ về dấu ấn đặc biệt với nghề, cô Phương cho biết, ngay năm đầu tiên ra trường mới nhận lớp, cậu học trò “không thích thì không làm” từng khiến cô muốn bỏ việc. Sau đó, cô biến chuyện này trở thành động lực giúp cô quyết đoán hơn trong việc thu phục tình cảm của học sinh cá biệt. Bí quyết của cô Phương là luôn tin tưởng học trò, giao việc cho con để con có cơ hội thể hiện bản thân, từ đó mở lòng hơn với cô giáo.   

Với cô Nguyễn Ánh Phương Nam, giáo viên Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1), Giải thưởng Võ Trường Toản là niềm vinh dự to lớn đối với những giáo viên dạy môn phụ. Xuất thân từ lĩnh vực hội họa, cô Phương Nam theo nghề giáo để viết tiếp truyền thống tốt đẹp của gia đình. Chia sẻ về công việc, cô cho biết, số tiết lên lớp của giáo viên mỹ thuật ít hơn giáo viên dạy nhiều môn, áp lực vì thế cũng giảm nhẹ. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi giáo viên phải bao quát hết lớp. Vì khả năng hội họa của mỗi đứa trẻ là khác nhau và thường không thể hiện bằng lời nên công việc của giáo viên mỹ thuật là phải hiểu được tâm lý trẻ, có khả năng phát hiện ra những học sinh có năng khiếu, từ đó kích thích khả năng sáng tạo của các em. 

“Nhiều phụ huynh nghĩ rằng đây là môn học phụ, không lấy điểm trong thành tích học tập cá nhân của học sinh nên không quan tâm việc học của con, trẻ đến trường không mang theo dụng cụ vẽ. Những lúc như thế, tôi đều chủ động hỗ trợ các con, tuyên dương những bạn làm tốt để tạo thành phong trào thi đua trong lớp, giúp trẻ có hứng thú học tập”, cô Phương Nam bày tỏ.

Truyền năng lượng tích cực cho học trò

17 năm trước, sau khi tốt nghiệp lớp 12, nữ sinh Nguyễn Thị Minh Hiếu thi đậu cả hai trường đại học kinh tế và sư phạm. Thời điểm đó, vì thực hiện ước mơ của bố, Minh Hiếu chọn theo nghề giáo. Hành trang vào nghề của cô tân sinh viên năm ấy chỉ đơn giản là sự háo hức, mong muốn truyền đạt thật nhiều kiến thức cho học trò. Qua nhiều năm công tác, lòng yêu nghề chẳng những không giảm đi mà trở thành động lực thôi thúc cô giáo trẻ áp dụng thêm nhiều phương pháp tích cực trong dạy học. Chia sẻ với chúng tôi về môi trường đang công tác, cô Minh Hiếu cho biết, hầu hết phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lam Sơn (quận Bình Thạnh) đều là dân lao động, ít quan tâm và sâu sát việc học của con. Hiểu được thiệt thòi của học sinh, cô giáo trẻ đã chủ động gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em để có biện pháp giáo dục về đạo đức, lối sống phù hợp với các em từ những điều nhỏ nhất. 

Cô Nguyễn Thị Minh Hiếu,  giáo viên Trường Tiểu học Lam Sơn (quận Bình Thạnh) 

Lớp học của cô Minh Hiếu luôn có một thư viện nhỏ với rất nhiều sách. Ở đó, học sinh được chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận sau khi đọc một quyển sách. Các em còn được giáo dục về sự chia sẻ, sẵn sàng trao đổi hoặc tặng bạn các đầu sách hay. Cũng ở lớp học đó, học sinh được đến thăm trại trẻ mồ côi và khuyết tật để hiểu hơn về sự đồng cảm, biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. 

“Chỉ khi mắt thấy tai nghe những khó khăn, vất vả của các bạn đồng trang lứa, các con mới hiểu được ý nghĩa của những gì mình đang có, từ đó biết cách nâng niu, gìn giữ hạnh phúc và chia sẻ với những người bất hạnh hơn”, cô giáo trẻ bày tỏ. Cô luôn tâm niệm, dù ở bất cứ môn nào học, kiến thức không chỉ nằm trong sách vở mà cần liên hệ với thực tế đời sống để giúp trẻ hiểu rõ và nhớ sâu kiến thức, từ đó khơi gợi những cảm xúc, suy nghĩ tích cực, bởi những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.

Danh sách giáo viên tiểu học được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có 5 giáo viên: 

- Nguyễn Ngọc Lan - Trường Tiểu học Trần Thị Ngọc Hân (huyện Nhà Bè), 

- Lê Đình Trang Đài - Trường Tiểu học Phước Hiệp (huyện Củ Chi), 

- Phạm Thị Vân Khánh - Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) 

- Trần Kiều Mỹ Nga - Trường Tiểu học Trần Quang Cơ (quận 10)

- Nguyễn Thị Kim Thanh - Trường Tiểu học Phùng Hưng (quận 11)

Tin cùng chuyên mục