Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 năm 2023

Giáo viên tiểu học: Thầm lặng nghề đưa đò

Bậc tiểu học năm nay có 10 cán bộ quản lý, giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản. Dù công tác trong các điều kiện dạy học khác nhau, nhưng các thầy, cô không ngừng nỗ lực, đổi mới phương pháp, trở thành tấm gương sáng về nhân cách cho học sinh noi theo.

Tấm gương sáng tự học

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) vào thời điểm thầy và trò của trường đang ráo riết tập văn nghệ chuẩn bị cho Lễ tri ân nhà giáo 20-11. Ở một góc sân khấu, thầy Lê Tấn Lộc, Tổ trưởng chuyên môn khối 5, đang ôm đàn guitar say sưa hát với học sinh. Qua lời kể của học sinh, thầy không chỉ đàn hay, hát giỏi mà môn thể thao nào cũng biết. Chia sẻ về những tài lẻ của mình, thầy Tấn Lộc cho biết, học sinh lớp 5 bắt đầu phát triển mạnh về tâm sinh lý. “Giáo viên không cần chơi giỏi một môn thể thao hoặc văn nghệ nhưng môn nào cũng nên biết để chơi với học trò. Khi các em thấy mình gần gũi, thầy và trò có chung sở thích sẽ tự nhiên mở lòng, có vui, buồn gì cũng vào lớp kể với thầy”, thầy Lộc bày tỏ.

Thầy Lê Tấn Lộc cùng học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5 chuẩn bị văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Thầy Lê Tấn Lộc cùng học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5 chuẩn bị văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống nghề giáo, từ thuở mới lẫm chẫm biết đi, cậu bé Lê Tấn Lộc đã theo mẹ đến trường, ngồi ở góc lớp nghe mẹ giảng bài. Hình ảnh người thầy cầm phấn trải dài trong những năm tháng tuổi thơ, lớn hơn một chút, cậu nhận ra nghề giáo không giàu về vật chất nhưng giàu tình cảm và tri thức. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, đến nay thầy Lộc đã có 31 năm gắn bó với Trường Tiểu học Minh Đạo. Chia sẻ về lý do chọn bậc tiểu học, thầy Lộc cho biết, đây là bậc học nền tảng, rèn luyện những kỹ năng và nhân cách đầu đời cho trẻ.

Vì vậy, “uốn cây từ thuở còn non”, một ngày học sinh ở trường suốt 8 giờ, thầy cô vừa dạy kiến thức vừa chăm sóc, quan sát để tạo thói quen tích cực cho các con. So với các cô giáo tiểu học với thế mạnh là sự dịu dàng, thầy Lộc khẳng định, thầy giáo cũng có lợi thế riêng về sự hài hước, có nhiều tài lẻ như viết tranh thư pháp, đàn hát, chơi thể thao, khiến cho học sinh xem thầy như thần tượng. Từ việc thần tượng, các em sẽ học theo thầy. Không chỉ là người truyền cảm hứng cho học sinh, thầy còn là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Hiện nay, ở tuổi 50, thầy Tấn Lộc vẫn đang là nghiên cứu sinh để làm gương về tinh thần “học tập suốt đời” cho học sinh.

Người thầy tận tâm

Công tác tại một trong những huyện ngoại thành của TPHCM, trăn trở lớn nhất đối với thầy Đặng Thanh Huấn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước (huyện Cần Giờ) là những lần quặn lòng nhìn học trò bỏ học. Ở vùng đất mênh mông sóng nước, cái nghèo đã lấy đi ước mơ con chữ của nhiều đứa trẻ. Người thầy tận tụy ấy đã đến hàng trăm ngôi nhà, trao tặng từ sách vở, quần áo đến học phí, vận động thêm mạnh thường quân giúp đỡ học trò.

Cô Phạm Vũ Phương Minh, Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4 trong giờ lên lớp

Cô Phạm Vũ Phương Minh, Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4 trong giờ lên lớp

Tương tự, cô Trần Phạm Ngọc Trang, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), ngay năm đầu tiên đứng lớp, đã tiếp xúc với học sinh khuyết tật. Cơ duyên đặc biệt ấy tiếp tục theo cô suốt 18 năm dạy cho nhiều trường hợp học sinh tăng động, chậm phát triển, tự kỷ… Dạy học sinh bình thường đã vất vả, dạy học sinh khuyết tật đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn nhiều hơn, dùng tình thương để cảm hóa học trò. Cô Ngọc Trang chia sẻ, thầy cô là người nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa giúp học sinh khuyết tật trở lại cuộc sống bình thường. Nếu không có đủ nhiệt tình và bao dung, người thầy không thể đưa những “hành khách đặc biệt” qua sông.

Với cô Phạm Vũ Phương Minh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4), sự gần gũi là “vũ khí bí mật” giúp học trò chịu mở lòng, hợp tác với cô giáo. Trẻ không thích học sẽ được cô ân cần động viên, ban đầu giao những bài tập cơ bản, sau đó nâng dần lên để học sinh tiến bộ. Giờ học của cô Phương Minh lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, bởi kiến thức đến với học sinh thông qua các hoạt động “chơi mà học”.

Hàng tuần, trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cô tạo cho học sinh bất ngờ nho nhỏ bằng những phần thưởng là hình dán nhân vật hoạt hình các em yêu thích, hoặc những quyển sổ, chiếc kẹp tóc đầy đủ sắc màu. Ngoài công tác chuyên môn, 4 năm học trở lại đây, cô Phương Minh còn kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn trường. Để xây dựng tập thể đoàn kết, cô luôn chủ động gần gũi, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, tình cảm của các thành viên trong tổ công đoàn, xử lý mọi việc theo hướng nhẹ nhàng nhưng thấu tình đạt lý. Sự chân tình ấy như mưa dầm thấm đất giúp đồng nghiệp ngày càng tin yêu, sẵn sàng chia sẻ với người cán bộ công đoàn năng nổ.

Ngôi trường chất lượng cao

Là một trong hai cán bộ quản lý bậc tiểu học được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), cho biết, ba cô từng là một nhà giáo nhưng do biến cố gia đình nên không theo được nghề. Từ đó, con gái đã thay ba viết tiếp ước mơ dang dở. Những lúc chông chênh trong công việc, cô Hạnh lại được ba động viên nên tự dặn lòng phải sống trọn vẹn với nghề.

Cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 cùng học sinh trong một tiết học

Cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 cùng học sinh trong một tiết học

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học hiện nay có hơn 70% là giáo viên trẻ (dưới 30 tuổi). Để phát huy sức mạnh tập thể, cô hiệu trưởng chủ trương “làm việc hết sức, chơi hết mình”. Trong công việc, cô đòi hỏi giáo viên phải chỉn chu, trước khi làm gì đều có kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị từ sớm, chứ không đợi “nước đến chân mới nhảy”. Song, trong các hoạt động sinh hoạt đội nhóm, từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều hết mình để tạo sự đoàn kết.

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học phát triển mô hình tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế. Cô Trần Bé Hồng Hạnh cho biết, tập thể sư phạm đang nỗ lực từng ngày hướng đến mục tiêu ngôi trường chất lượng cao không chỉ trên địa bàn quận 1 mà lan tỏa cả thành phố. Để thực hiện mục tiêu đó, ngôi trường phải chỉn chu từ cơ sở vật chất, phòng ốc, trang thiết bị đến môi trường học tập, phương pháp dạy học cho học sinh.

Cô Hạnh cho rằng, giáo viên hiện nay thuận lợi hơn các thế hệ thầy, cô đi trước về điều kiện dạy học, chính sách đãi ngộ, nhưng xã hội đang phát triển không ngừng, tâm sinh lý học sinh biến đổi nhanh, nhận định của phụ huynh về nghề giáo cũng thay đổi nên yêu cầu về năng lực giáo viên cũng cao hơn. Các thầy, cô buộc phải thích nghi, chủ động hơn trong công việc, làm hết sức mình để không phụ kỳ vọng mà xã hội giao phó.

10 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023

- Đặng Thanh Huấn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước, huyện Cần Giờ

- Huỳnh Thị Luyện, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Tân Phú

- Vũ Viết Ái Linh, giáo viên Trường Tiểu học Linh Chiểu, TP Thủ Đức

- Lê Tấn Lộc, giáo viên Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5

- Trần Phạm Ngọc Trang, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 7

- Phạm Vũ Phương Minh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4

- Châu Thanh Trúc, giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3

- Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Trang Tấn Khương,

huyện Nhà Bè

- Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1

- Võ Thị Viễn Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, quận 11

Tin cùng chuyên mục