“Giật cô hồn” và câu chuyện về ý thức

Hàng năm, cứ đến tháng 7 âm lịch, nhiều gia đình bắt đầu phong tục “cúng cô hồn” với mong muốn rất tâm linh là giúp những linh hồn vất vưởng có được miếng ăn và phù hộ gia chủ. Cũng chính vì thế đã phát sinh những đội quân chuyên đi “giật cô hồn” làm đường phố náo động. Nhiều người cũng không khỏi ái ngại khi nhìn thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, la hét, chửi bới, thậm chí đánh nhau để tranh giành đồ cúng.

Hàng năm, cứ đến tháng 7 âm lịch, nhiều gia đình bắt đầu phong tục “cúng cô hồn” với mong muốn rất tâm linh là giúp những linh hồn vất vưởng có được miếng ăn và phù hộ gia chủ. Cũng chính vì thế đã phát sinh những đội quân chuyên đi “giật cô hồn” làm đường phố náo động. Nhiều người cũng không khỏi ái ngại khi nhìn thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, la hét, chửi bới, thậm chí đánh nhau để tranh giành đồ cúng.

Những ngày qua, ít nhiều trong mỗi người chúng ta đều đã chứng kiến cảnh tượng tranh giành đồ cúng cô hồn trên khắp các nẻo đường, đặc biệt là ở những khu có hoạt động buôn bán sầm uất. Đồ cúng có thể là bánh kẹo, trái cây, gạo, muối, vàng mã. Đối với những công ty, gia đình khá giả hay những người tin vào tâm linh nghĩ rằng đồ cúng càng hoành tráng thì may mắn càng nhiều. Do đó việc cúng kiếng cũng linh đình hơn như có thêm heo quay, con gà và thậm chí tiền với số lượng có thể lên đến vài chục triệu đồng. Khi cúng xong, gia chủ đều mong có thật nhiều người đến giật để mang may mắn đến. Và nhiều trận hỗn chiến đã xảy ra trong những buổi cướp giật này.

Chuyện giành giật, đâm chém nhau khi giật đồ cúng cô hồn hay chen lấn nhau giành đồ từ thiện không phải đến bây giờ mới xảy ra, mà từ những năm trước đã có rất nhiều vụ ẩu đả, thậm chí có cả hỗn chiến khi giành giật đồ cúng. Cảnh “cô hồn sống” giật đồ ăn của “cô hồn chết” khi gia chủ chưa kịp thắp nhang hay giả “cô hồn” để lợi dụng móc túi, giật đồ diễn ra khá phổ biến. Người giật đồ cô hồn giờ đây không còn là trẻ con hay những người có hoàn cảnh khó khăn nữa mà mối lo ngại chính là những thanh niên tụ tập lại với nhau để thành lập “đội quân” chuyên đi cướp đồ cúng. Chính những thành phần bất hảo này đã tiêm nhiễm vào đầu những người khác suy nghĩ cần phải giành giật, dùng mọi thủ đoạn mới có được đồ của người khác.

Nếu người cúng có ý thức hơn trong việc cúng bái thì đã kéo giảm được nhiều điều đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, ở một khía cạnh khác, trong suy nghĩ của con người cũng đã xem người đi giật đồ cúng là những “cô hồn sống”. Đây thực sự là một suy nghĩ không đúng giữa quan hệ con người với nhau.

Chính quyền địa phương cần có động thái để chấn chỉnh hành vi cúng kiếng phản cảm như hiện nay, bởi không chỉ tạo ra hình ảnh xấu ảnh hưởng đến xã hội mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Nếu cần, có thể áp dụng chế tài để răn đe. Bên cạnh đó, cũng cần có sự tác động của các ban ngành để giáo dục nâng cao ý thức người dân hơn nữa trong hoạt động văn hóa tâm linh. Đây cũng chính là hành động đúng với tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục