Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng với nhạc sĩ Dương Thụ dẫn dắt buổi toạ đàm. Những gương mặt gạo cội của nền sân khấu cải lương như: NSUT Vũ Luân, NSUT Phương Hồng Thủy, nghệ sĩ Mộng Tuyền có dịp gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm một thời gắn với sân khấu cải lương.
Có thể nói trong những năm mà cải lương rơi vào giai đoạn sa sút, thời kỳ của băng đĩa thống trị, các nghệ sĩ đổ xô đi quay video, các rạp hát vắng khách vì khán giả không còn tha thiết với sân khấu, những người như Vũ Luân là những nghệ sĩ đầu tiên thực hiện việc xã hội hoá cải lương. Đó là vào năm 1999. Cho đến nay, đã 20 năm, anh vẫn gắn bó với nghề, gắn bó với sân khấu cải lương. Cùng với đó, các anh chị em nghệ sĩ đã cùng chung tay gầy dựng lại sự sống cho sân khấu cải lương dưới sự ái mộ và đồng cảm của khán giả.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ: "Người nghệ sĩ luôn được khán giả yêu thương, đặc biệt, kiều bào nước ngoài rất muốn níu kéo những tài nhân ở lại với sân khấu cải lương hải ngoại, nhưng ở những đất nước không sử dụng tiếng Việt thì rất khó thể".
Cũng trong buổi tọa đàm, NSUT Vũ Luân và NSUT Phương Hồng Thủy đã gửi đến khán giả những trích đoạn cải lương quen thuộc: Lan và Điệp, Tình anh bán chiếu. Nghệ sĩ Mộng Tuyền cũng đã đem đến cho khán giả những cảm xúc dâng trào qua trích đoạn Tiếng trống Mê Linh.
Những người nghệ sĩ với những ký ức vàng son một thời đã hội tụ về đây để có thể lan tỏa thêm nhiều niềm đam mê đến khán giả.
Những năm thập niên 90, cải lương không chỉ xuất hiện tại những rạp hát lớn mà ngay cả ngoài đường phố, những khu chợ cũng có thể nghe được cải lương và những người nghệ sĩ, những soạn giả được ví là người bảo tồn giá trị và hơi thở của cải lương. Nhưng hiện nay, chúng ta đang rất thiếu những tác phẩm thể nghiệm mới, từ xưa cho đến nay hầu như người ta chỉ tìm đến những tác phẩm kinh điển, chữ "kinh điển" được sơn son thép vàng lên tài sản cải lương, trong khi bản chất cái nghĩa của cải lương là cải cách, là canh tân. Không chỉ là canh tân trong lối diễn, cách hát, âm nhạc mà quan trọng là canh tân trong tư duy.
Sân khấu cải lương đang phải gồng mình lên chịu đựng giữa sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại. Nhưng những người nghệ sĩ vẫn còn bám trụ với sân khấu, bám trụ với cải lương, đó vừa là sự trân trọng vừa là một thách thức lớn của người nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ: "Tôi mong cải lương, cũng như các loại hình khác như chèo, quan họ Bắc Ninh, hát bội,.. sẽ vẫn luôn tồn tại và phát triển. Và nếu muốn như vậy, chúng ta cần phải có những chính sách thiết thực đổi mới và có con đường rõ ràng để giữ và lưu truyền cải lương".
Kết thúc buổi trò chuyện, điều để lại trong lòng mỗi khán giả không phải là những vở tuồng kinh điển mà là sự nhận thức về sự đấu tranh giữa mất và còn của cải lương. Cải lương vẫn sẽ tồn tại, nếu như khán giả còn yêu thương sân khấu và yêu thường người nghệ sĩ.