Giọt nước Đắk Bla

Chuyện xưa kể rằng, cách đây đã lâu lắm rồi, hàng trăm năm trước, ngay tại mảnh đất bên dòng sông Đắk Bla thơ mộng có một mạch nước ngầm rất mạnh, nuôi sống cả đô thị Kon Tum. Từ một giọt nước ngầm ngày ấy, Kon Tum hôm nay đang thay đổi diện mạo với dáng vóc của một đô thị có bản sắc riêng.1.
Giọt nước Đắk Bla

Chuyện xưa kể rằng, cách đây đã lâu lắm rồi, hàng trăm năm trước, ngay tại mảnh đất bên dòng sông Đắk Bla thơ mộng có một mạch nước ngầm rất mạnh, nuôi sống cả đô thị Kon Tum. Từ một giọt nước ngầm ngày ấy, Kon Tum hôm nay đang thay đổi diện mạo với dáng vóc của một đô thị có bản sắc riêng.

1.
Đêm đầu tiên trở lại, tôi vui lây niềm vui của các bạn nam thanh nữ tú tay trong tay đến chiêm ngưỡng công trình công viên và đài phun nước mang tên Giọt nước Đắk Bla được xây dựng ngay chính trên vị trí của mạch nước ngầm năm xưa. Từng chùm ánh sáng đổi màu chốc chốc lại phun lên lung linh huyền ảo giữa trời đêm se lạnh làm cho lòng người phấn chấn. Nhiều bạn trẻ lấy điện thoại di động ra chụp.

Chúng tôi vòng qua chợ, xem những người bán hoa tươi vẫn còn tranh thủ đèn đêm để buôn bán thêm. Có cả hoa Đà Lạt chở sang. Nhiều con phố khác, đèn chong sáng choang bày bán hàng quần áo may sẵn, hàng thời trang rẻ tiền. Kon Tum bây giờ đã lên thành phố, chưa đến mức ồn ào như Nha Trang, Buôn Ma Thuột nhưng không còn quá lặng lẽ như 7-8 năm về trước. Và sau khi đã cuốc bộ thấm mệt, chúng tôi chọn quán nước bên đường bờ đê mới được xây dựng, cùng thả hồn để nếm cái không khí se se lạnh của trời đêm cao nguyên.

Mênh mang con sông Đắk Bla chảy qua TP Kon Tum.

Mênh mang con sông Đắk Bla chảy qua TP Kon Tum.

2. Nhờ anh bạn đồng nghiệp ở báo Kon Tum, tôi gặp lại anh bạn cũ tên Vũ làm ở Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư du lịch của tỉnh. Vũ vừa có chuyến du lịch Thái Lan một tuần vừa về. Sự sảng khoái vẫn còn trong ánh mắt của người làm du lịch. “Hay lắm, đi học được nhiều cái hay”. Và chắc chắn trong đầu ông bạn đang hình thành các ý tưởng về thiết kế tour du lịch thăm thú địa phương này cũng như các tour kết nối ngã ba Đông Dương, liên tuyến biển núi, nối con đường xanh Tây Nguyên với con đường di sản miền Trung. Ngày chúng tôi biết nhau, Vũ chưa lập gia đình, giờ đã có hai cô công chúa, đứa đầu lên 10 tuổi, đứa sau được hơn 3 tuổi nhưng cháu mắc bệnh tim bẩm sinh. Dù vậy, hoàn cảnh gia đình vẫn không làm mất đi tính cách sôi nổi, mến khách của một người miền cao.

3. Không khó để nhận ra dáng dấp kiến trúc nhà sàn đặc trưng của đồng bào Bana ngay giữa lòng thị xã. Chỉ khác là thay vì nhà sàn gỗ hoàn toàn, giờ vách đã được làm bằng xi măng cho chắc chắn, sàn nhà hầu như vẫn bằng gỗ và thay đổi lớn nhất là ở dưới sàn không còn cảnh nhốt trâu bò thường thấy cách đây chưa lâu. Đó là cả một quá trình thay đổi nhận thức về tập quán của đồng bào. Toàn thành phố vẫn còn giữ được hơn 50 cái nhà rông truyền thống.

Đó là điều đáng mừng. Một trong những điểm nhấn kiến trúc và là sự giao thoa giữa kiến trúc Tây phương và bản địa là ngôi nhà thờ gỗ, có tuổi đời 95 năm gắn liền với bước chân các nhà truyền giáo Pháp có mặt ở đây. Giờ nhà thờ là điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến với Kon Tum.

4. Kon Tum bây giờ nhà cửa mọc lên nhiều hơn nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của một đô thị vườn trong phố với màu xanh của vườn tược thấp thoáng. Nhờ dân số thành phố mới gần 140.000 dân với 10 phường, 11 xã nên còn giữ được nhiều khoảng không gian xanh. Rõ nhất là hai bên con đường đê. Một bên là nhà khách sạn hiện đại nhất của thành phố - khách sạn mang cái tên rất Tây Indochine cùng hàng quán cà phê wifi mọc lên san sát và một bên là những xóm nhà lưa thưa bị lấn át của màu xanh vườn rau.

Bên dòng Đắk Bla mênh mang đôi bờ, những nhà rông truyền thống vẫn còn đó, cao vút sừng sững. Hơi ấm của bếp lửa bập bùng trong những đêm hát Khan vẫn còn lưu giữ đâu đó cùng với Giọt nước Đắk Bla của làng Tum cùng với bàn tay lao động của đồng bào Kinh - Thượng đang tạo nên một một Kon Tum trù phú ngày nay.

Tết này, các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống sẽ lại diễn ra, nào là bắn nỏ, đua thuyền độc mộc đẽo nguyên một thân cây của người Tây Nguyên, nào là lễ hội mừng lúa mới với những vòng soang say đắm lòng người. 

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục