Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Trong hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”, diễn ra tại TPHCM vừa qua do hai trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học và Đại học Sài Gòn đồng tổ chức, đã có 91 báo cáo, tham luận gửi về từ 23 tỉnh, thành.

Cũng giống như môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, môi trường đạo đức v.v…, tiếng Việt đang cần được giữ gìn sự trong sáng trong quá trình phát triển của nó. Quá trình đổi mới đem lại cho đất nước chúng ta sự phát triển, trước hết là sự tăng trưởng kinh tế, sự cải thiện đời sống, song kèm theo đó là nhiều sự ô nhiễm, trong đó có sự phát triển kèm theo sự ô nhiễm của tiếng Việt thân yêu.

Cũng như đối với toàn bộ sự phát triển của đất nước, chúng ta phải phấn đấu để có sự phát triển bền vững, lành mạnh, “sự phát triển xanh”. Tất nhiên, trách nhiệm quản lý thuộc về Nhà nước và những cơ quan chức năng, song nếu không có sự tham gia tự giác của nhân dân thì không có việc gì thành tựu được. Trước khó khăn mà ai cũng thấy trách nhiệm thuộc về người khác, còn mình thì vô tội, vô can. Kể cả khi chính là công việc của mình mà chỉ biết phàn nàn, trách móc hoặc tìm những câu nói rất hay để phê phán, chế giễu thì cuối cùng công việc đâu vẫn hoàn đó.

Hội thảo nói trên nếu không phải tất cả thì chắc cũng phần lớn gồm những người không những có kiến thức mà còn có chức trách về tiếng Việt. Các vị giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, giảng dạy Việt ngữ và ngoại ngữ ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và trung học, các cơ quan văn hóa, báo chí, xuất bản tức là những cơ quan cao nhất có thẩm quyền khoa học và giáo dục về lĩnh vực được quan tâm. Chắc hẳn trong gần 100 tham luận khoa học nói trên không ít những lời hay, ý đẹp, những tri thức và khảo nghiệm uyên bác về tình hình sử dụng tiếng Việt của người Việt chúng ta hiện nay.

Bản thân tôi cũng có niềm tin tưởng đó nhưng nó cũng vừa vừa thôi. Bởi vì vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đã được đặt ra gần 50 năm trước, do một nhân vật rất uy tín lúc bấy giờ là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau đó đã được nhiệt liệt hưởng ứng một thời gian dài và mang lại kết quả tích cực. Song tôi nhớ ngay thời đó, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: “Nếu các đồng chí tin rằng chỉ cần Chính phủ ra mệnh lệnh thì công việc sẽ thành công thì các đồng chí sai lầm. Công việc này là trách nhiệm của chính các đồng chí”. “Các đồng chí” đây là ai? Thủ tướng chỉ rõ: đó trước hết là BA NHÀ: nhà báo, nhà giáo, nhà văn. Và “ba nhà” phải lập tức vào cuộc.

Tôi nhớ hồi ấy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên rất lo lắng vì bị Thủ tướng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc này của Bộ Giáo dục. Hội Nhà văn, Hội Nhà báo đương thời cũng lo sốt vó vì bị đôn đốc, chỉ đạo phải có chương trình, biện pháp cụ thể cho việc này. Có thể có người nghĩ rằng: Thời đó thong thả, ít việc, có đâu? Thời đó là những năm 64-65, Mỹ đang đổ quân vào miền Nam và bắt đầu ném bom miền Bắc. Đồng chí Phạm Văn Đồng nói tại hội nghị: “Tổng thống Johnson đang họp với chư hầu ở Honolulu bàn việc đánh chúng ta. Còn chúng ta ở Hà Nội họp với nhau để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó chứng tỏ chúng ta nhất định thắng!”. Và quả thực, sau đó chúng ta đã có những thành quả lớn, những bước tiến lớn trong sự nghiệp này.

Làm sao mỗi người phải tự làm trong sáng tiếng Việt của mình, đồng thời cũng là đầu óc, trái tim, hành vi giao tiếp, hành vi đạo đức của mình và của con em mình. Các nhà trí thức, các nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà khoa học phải nêu gương sáng cho nhân dân, cho thanh niên. Thế hệ trẻ phải dốc lòng vào việc này, phải luôn luôn làm vệ sinh, quét dọn rác rưởi trong ngôn ngữ đồng thời cũng là trong đầu óc, tâm thức của mình. Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay là lớp người có học tốt hơn, cao hơn cha ông ngày xưa, phải là những con người tao nhã, tuấn nhã, thanh nhã, văn nhã về ngôn ngữ về ứng xử, giao tiếp, về nhân cách và phong cách Việt Nam.

TRẦN THANH ĐẠM

Tin cùng chuyên mục