Giữ lửa làng nghề Bến Gỗ

Cái tên Bến Gỗ gợi lên hình ảnh một bến sông sầm suất nằm dọc theo sông Đồng Nai của vùng đất Trấn Biên xưa, được hình thành trên hành trình di dân, mở mang bờ cõi về phương Nam của người Việt cách đây hơn 300 năm. Và trên mảnh đất ven sông ấy, nhiều ngôi làng trù phú đã mọc lên, không gian văn hóa tưởng chừng bền vững ấy đã bị xáo trộn bởi dự án Khu đô thị mở Long Hưng. Đáng mừng là một số người dân vẫn giữ lại được nghề truyền thống như là nét chấm phá trong bức tranh đô thị hóa.

Đi tìm không gian Bến Gỗ xưa

 Chúng tôi về xã Long Hưng vào một sáng tháng 8 giữa cái nắng hanh vàng của mùa thu và tìm được ông T.T.N. - một người sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa sông nước Bến Gỗ. Gia đình ông đã 6 đời lập nghiệp trên mảnh đất này.

Theo ông N., cái tên Bến Gỗ là chỉ bến ven sông cái Đồng Nai chạy từ ngã ba giao với quốc lộ 51 (theo hương lộ 2) đến chợ Bến Gỗ và vàm Cái Sứt. Vùng này xưa còn rừng tự nhiên với rất nhiều cây gỗ đặc trưng của vùng Đông Nam bộ như sao, dầu. Vùng đất Bến Gỗ thời thập niên 1950 thuộc tổng Long Vĩnh Thượng, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa, là một không gian rất rộng lớn, bao gồm các phường Phước Tân, An Hòa, Long Bình Tân và Long Hưng ngày nay, nhưng trung tâm của khu vực Bến Gỗ gồm xã Long Hưng và phường An Hòa.

Nhờ nằm giữa 3 con sông Đồng Nai, sông Trong và sông Bến Gỗ nên việc sản xuất lúa gạo, đi lại, giao thương khá thuận lợi. Lúa từ Bến Gỗ qua sông Đồng Nai cung ứng cho vùng bưng 6 xã của huyện Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức) một cách dễ dàng. Trước khi Đức Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Cù lao Phố thì ông đã đặt chân ở Bến Gỗ và sau đó là Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên cũng dừng chân ở đây, khai thác gỗ để chở đi xây cất nhà cửa, công trình ở trung tâm Biên Hòa, Sài Gòn - Chợ Lớn và các nơi khác bằng đường sông.

Có dịp đi cùng ông N. quanh khu vực giáp ranh của phường An Hòa và xã Long Hưng mới thấy được một phần bức tranh của làng Bến Gỗ xưa, với nhà vườn xanh mát, rộng rãi, ít cũng trên một công đất (1.000m²), nhiều thì vài công, có hệ thống sông rạch bao quanh chằng chịt, len lỏi vào từng xóm nhà. Khác biệt hoàn toàn với cảnh nhà cấp 4 mái tôn, mái bê tông san sát chật chội ở mặt tiền hương lộ 2.

Bức tranh tương phản

 Thế nhưng, đó không phải là gam màu chủ đạo của bức tranh đô thị hóa xã Long Hưng hôm nay. Một vùng quê thuần nông sản xuất 2-3 vụ lúa mỗi năm giờ đã biến mất bởi các công trình của dự án Khu đô thị mở Long Hưng do Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2007.

Do UBND tỉnh Đồng Nai giao toàn bộ diện tích xã Long Hưng với gần 1.200ha cho một HTX nông nghiệp không đủ vốn liếng, kinh nghiệm như Donacoop nên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kéo dài, người dân liên tục gửi đơn kiện lên cơ quan Trung ương... Rất may là vào tháng 4-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu điều chỉnh lại quy mô dự án, không triển khai tiếp giai đoạn 2 đối với khu vực tập trung dân cư đông đúc ven hương lộ 2.

Ông N. nhận xét: “Dự án Khu đô thị mở Long Hưng giải tỏa trắng cả xã thuần nông, giờ đây bà con không còn ruộng để canh tác. Đến nay chủ đầu tư cùng chính quyền vẫn chưa an cư được cho người dân”. Gia đình ông H.H.P. có 263m² đất ở ngay sau Trạm xá xã Long Hưng, trên đất có căn nhà 1 trệt 1 lầu diện tích 12x23m, năm 2014 được áp giá bồi thường nhà cửa, di dời là 472 triệu đồng; sau 3 lần chính quyền cưỡng chế ông nhận được gần 800 triệu đồng, nhưng riêng số tiền bồi thường đất chỉ được 51 triệu đồng nên ông vẫn chưa nhận. Sau khi giao đất cho chủ đầu tư, ông P. phải vào ở trong khu tạm cư, đến giữa năm nay mới mua đất, cất nhà thoát cảnh sống tạm bợ. Trong khi đó, chủ đầu tư đã bán lại một phần đất của dự án cho các công ty bất động sản khác.

Giữ lửa làng nghề Bến Gỗ ảnh 1 Một khu dân cư ở Long Hưng may mắn không bị giải tỏa để triển khai giai đoạn 2 của dự án Khu đô thị mở Long Hưng

Giữ lửa làng nghề

Ngược ra quốc lộ 51, chúng tôi đến thăm làng nghề Bến Gỗ chuyên nấu rượu có tuổi đời hơn 300 năm (làng nghề gốc ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được người dân mang theo, duy trì đến tận bây giờ), cách Long Hưng khoảng 10km. Năm 2007, HTX Bến Gỗ được thành lập, quy tụ 25 xã viên và sau đó được chính quyền cho mượn đất để làm nhà xưởng và trưng bày sản phẩm. Cách đây một tháng, HTX đã phải tháo dỡ nhà xưởng, trả đất cho nhà nước để làm hương lộ 2 mở rộng. Dù khó khăn như vậy, nhưng nhiều xã viên vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống và bà Lê Thị Lệ Hằng (55 tuổi, tổ 6, khu phố 3, phường An Hòa) là một trong số ấy.

Bà kể: “Tôi học được nghề nấu rượu từ mẹ chồng từ khoảng năm 1989, mẹ chồng học từ bà nội, bà nội học từ bà cố; xưa nấu ít khoảng 10-20kg gạo/ngày, sau tăng lên 100kg và giờ là 300kg/ngày. Men rượu thì dùng loại truyền thống lấy Nếp Hoa Vàng (Thái Bình) và gạo phải chọn loại ngon, thơm như ST, sau khi vo xong đem nấu trong nồi điện trong khoảng 140 phút là chín đều, đem ra trải nguội, trộn men, đem ủ trong 7 ngày thì lấy ra nấu - chưng cất trong khoảng 2 tiếng thì cho ra rượu nóng 35°C, tiếp tục để nguội, lọc thô rồi chứa trong chum sành vì rượu để lâu càng ngon và 3 ngày sau mang lên nhập kho của HTX, từ đây tỏa đi tiêu thụ khắp trong tỉnh Đồng Nai”. Lao động chính trong nhà ngoài vợ chồng bà còn có con rể, mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Theo bà Hằng: “Ngoài chuyện thu nhập đủ sống thì cái được nữa là duy trì được nghề truyền thống”.

Vài năm gần đây, HTX đã cho ra lò nhiều sản phẩm rượu bổ được ngâm từ các vị thuốc Đông y với hương nồng rượu Bến Gỗ cung ứng cho thị trường, giải quyết đầu ra ổn định cho bà con làng nghề.

Tin cùng chuyên mục