Qua bao thăng trầm của thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đang mất dần vị thế và có nguy cơ mai một. Dẫu vậy, vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết, bằng nhiều cách đã âm thầm giữ lửa cho làng nghề truyền thống quê hương.
1. Khảm xà cừ là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của đất An Nhơn (Bình Định). Sản phẩm và tiếng tăm của làng nghề không chỉ những người trong tỉnh biết đến mà nhiều người ở các địa phương khác và một số Việt kiều cũng tìm đến đặt hàng. Thế nhưng, ít ai biết rằng, có thời điểm làng nghề chỉ còn một người bám trụ để “giữ” nghề, với niềm tin về một lớp truyền nhân kế cận. Đó là cụ Trần Nhi, năm nay đã 80 tuổi.
Nói về lịch sử của làng nghề cũng như cái nghiệp mà mình theo đuổi cả cuộc đời, cụ Nhi bồi hồi nhớ lại: “Tôi bước vào nghề khảm năm 15 tuổi. Bài học đầu tiên tôi học được ở cha tôi là làm nghề này đòi hỏi phải khéo léo, có khiếu thẩm mỹ và phải yêu nghề, còn không thì dễ thất bại, bỏ nghề. Bài học của cha đã giúp tôi trụ vững qua bao thăng trầm của làng nghề”.
Những năm sau giải phóng, do kinh tế khó khăn rất ít người sử dụng đồ khảm xà cừ nên làng nghề dần mai một. Có lúc, cả làng nghề chỉ còn một mình ông làm nhưng sản phẩm vẫn không tiêu thụ được. Dẫu biết rằng nghề truyền thống đang “sống” vất vưởng nhưng ông vẫn gắng bám trụ để truyền nghề lại cho thế hệ sau. Và rồi, cơn “bĩ cực” dần qua, mấy năm gần đây làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn dần hồi sinh và phát triển. Hiện cả làng nghề có khoảng 10 cơ sở sản xuất mặt hàng này, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Giờ đây, tuy chân yếu, mắt mờ, không còn cầm đục, lia dùi được nữa, nhưng cụ Nhi vẫn say sưa với nghề và không ngừng “truyền lửa” cho thế hệ sau. “Cả cuộc đời bám trụ nghề truyền thống của cha ông, nuôi mấy đứa con trưởng thành và chứng kiến được sự phát triển trở lại của làng nghề, tôi mãn nguyện lắm rồi” - lão nghệ nhân tâm sự với chúng tôi như vậy.
2. Thêu là nghề truyền thống của người dân Phương Danh (Đập Đá - An Nhơn - Bình Định). Trải qua những biến thiên của thời gian, làng nghề vẫn tồn tại trong bao thăng trầm. Có thời điểm, cả làng nghề với trên 100 gia đình có nghề nhưng vỏn vẹn chỉ còn 5 người giữ nghề. Đây là những nghệ nhân tâm huyết, họ giữ nghề không vì kế sinh nhai mà vì không muốn để những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề trở thành dấu xưa xe ngựa…
Trong số những nghệ nhân ít ỏi bám nghề ấy có cụ Lê Công Trang, đã 72 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn luôn gìn giữ “linh hồn” của làng nghề để các thế hệ con cháu nối tiếp. “Không như nhiều nghề khác, nghề thêu đòi hỏi người thợ trước hết phải có đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên nhẫn... Người thợ thêu còn là nghệ sĩ thực thụ. Bằng những sợi chỉ mong manh đủ màu sắc, với những khuôn vải rộng, hẹp nhiều kích cỡ và đôi bàn tay khéo léo, bộ óc giàu trí sáng tạo, người thợ thêu đã thả hồn vào chỉ, vào vải, tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mang tính dân tộc vừa hiện đại…” - cụ Trang thổ lộ.
Ngọc Thái