Nhân có mấy hội nghị bàn về chống tham nhũng vừa diễn ra và nhân việc các tổ chức Đảng đang tiến hành phân tích chất lượng đảng viên, cơ sở Đảng, đánh giá cán bộ cuối năm, anh K. - một thường vụ quận ủy trong lúc trà dư, tửu hậu mới bộc bạch: Với kiểu sinh hoạt Đảng như hiện nay thì chẳng thể nào phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực qua phê bình, tự phê bình cả.
Rồi anh bày tỏ, có những chuyện nội bộ ở quận, nếu trao đổi ngoài cuộc họp với đồng chí khác thì rất dễ bị chụp mũ, cho như thế là lôi bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết. Nếu phản ảnh lên cấp trên những điều khuất tất (nhưng chưa đủ bằng chứng) không khéo bị khép tội tố cáo sai sự thật. Đứng đơn tố cáo tập thể thì vướng vào các điều cấm đối với đảng viên. Nếu vì quá bức xúc mà lên tiếng phê bình “non” trong hội nghị, chưa biết chừng lại đánh động cho kẻ tham nhũng tìm cách đối phó, xóa tội, phi tang, rồi quay sang trù dập người phê bình.
Anh cho rằng, hiện tượng “xì” vấn đề nội bộ ra ngoài... là những biến dạng của phê bình. Thành ra, lắm lúc phê bình không còn là “ngọn roi” quất vào sự vật làm cho nó lồng lên phía trước, mà nó trở thành những lời đưa đẩy, cốt vừa lòng nhau. Nếu có cái sự phê bình nhẹ nhàng cũng chẳng qua là phất trần phủi bụi, còn sự thật ẩn sâu trong đó lại là sự che đậy, dối trá.
Anh K. kể, có trường hợp ở khóa trước, khi Thường trực Thành ủy TPHCM xuống tận quận để tìm hiểu sai phạm của đồng chí phó bí thư quận ủy thì đồng chí này chối đây đẩy, khẳng định mình không làm điều gì sai trái cả. Đã vậy, đồng chí bí thư quận ủy còn đứng ra cam kết, bảo lãnh cho đồng chí phó bí thư. Trong Thường vụ Quận ủy lúc đó, có người biết nhưng chỉ im lặng. Đến kỳ đại hội Đảng kế tiếp, trừ những trường hợp bị xử lý pháp luật, hầu hết những đồng chí trong thường vụ cũ lại tiếp tục tham gia… vào thường vụ khóa mới. “Đã giữ thân, giữ mình thì tất yếu sẽ bỏ qua chân lý!” - anh K. đúc kết.
Thế mới thấy phẩm chất trung thực của một bộ phận cán bộ đảng viên đã xuống thấp đến mức nào. Sinh hoạt trong tổ chức cơ sở Đảng mà đảng viên không dám phê bình, ngại đụng chạm, thậm chí còn bao che, giấu giếm khuyết điểm cho nhau thì chẳng khác nào khuyến khích thái độ thiếu thẳng thắn, thiếu trung thực của đảng viên. Rồi anh K. trăn trở, làn ranh giữa ý kiến cá nhân và ý kiến tập thể đôi lúc không rõ ràng cũng làm nhiều đảng viên e ngại.
Ý kiến của một đồng chí trong Thường trực Quận ủy không được tập thể tán thành, khi ra cuộc họp Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ, đồng chí đó cũng không dám phát biểu chính kiến của mình vì nghĩ rằng như thế là… trái với ý kiến của tập thể thường trực! Nên điều dễ hiểu là nhiều đồng chí cố tình né tránh các vấn đề phức tạp, ngại đấu tranh, phê bình khuyết điểm của cấp trên và của đồng chí mình.
Đáng ngại là tình trạng thiếu dân chủ trong Đảng là mảnh đất màu mỡ phát sinh tính độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu. Sinh hoạt Đảng không tôn trọng những ý kiến trái chiều, ngược lại người đứng đầu có thể chụp cái mũ cho người có ý kiến trái chiều là “nói trái nghị quyết” (?!).
Kết thúc câu chuyện trà dư, tửu hậu, anh K. chiêm nghiệm, không có phê bình nghiêm túc trong lãnh đạo cũng sẽ không có phê bình trong cả tổ chức, mà đã không có phê bình thì cũng không thể có tự phê bình.
TUẤN SƠN