Giữ “vàng xanh” cho thủ đô

Chưa trọng vọng “vàng xanh”
Giữ “vàng xanh” cho thủ đô

Nhiều hồ và cây xanh là ấn tượng sâu đậm cả “ta lẫn Tây” đều khẳng định khi nói về Hà Nội. Một bộ “Át-lát” cây xanh Hà Nội được số hóa vẫn còn là mơ ước không những chỉ các nhà nghiên cứu, mà còn cho tất cả những ai yêu quý thành phố này...

Phố Phan Đình Phùng nổi tiếng luôn rợp bóng mát, do có rất nhiều cổ thụ. Ảnh: TRẦN BÌNH

Phố Phan Đình Phùng nổi tiếng luôn rợp bóng mát, do có rất nhiều cổ thụ. Ảnh: TRẦN BÌNH

Chưa trọng vọng “vàng xanh”

Theo số liệu của Phòng kế hoạch, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội (CVCX), trước khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố có khoảng 40.000 cây xanh, chia làm 72 loài. Trong đó có nhiều cây cổ thụ, có đường kính từ 40cm trở lên, tập trung ở khu vực công viên, vườn cây và khu vực phố cổ.

Một trong những cây xanh “già nhất” và đẹp nhất ở thủ đô, chính là cây đa trong khuôn viên trụ sở Báo Nhân Dân trên phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), nằm trong bộ tứ “sanh – si – đa – đề” thường gắn liền với các di tích lịch sử, tôn giáo quan trọng.

Nói điều này vì Việt Nam là một trong những nước có tín ngưỡng về cây đa cổ thụ trải dài theo khu vực xích đạo từ Tahiti đến Trung Quốc, từ Ghana đến Thái Lan. Còn cây lộc vừng 9 gốc cổ thụ bên bờ hồ Gươm cũng nổi tiếng không kém, cứ đến mùa lại buông hoa đỏ rực một góc hồ...

Theo thạc sĩ Phạm Thị Lan Anh (Ban quản lý di tích Hà Nội), việc sáp nhập với Hà Tây đã khiến quỹ “vàng xanh” của thủ đô được nhân lên gấp 3 lần (số lượng cây cổ thụ ở Hà Tây trước đây nhiều gấp 2 lần Hà Nội cũ và gấp khoảng 20 lần so với tỉnh bạn Hưng Yên).

Cao niên trong làng cây ở Hà Nội mới mở rộng phải kể đến cây gạo chùa Thầy, một số cây ở khu vực chùa Hương, trên núi Ba Vì...

Chưa kể ngay ở khu trung tâm Hà Nội, ngoài Công viên Bách Thảo, có những con phố rất nổi tiếng với nhiều cây xanh cổ thụ. Phố Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu rất nhiều xà cừ cổ thụ; phố Nguyễn Du và Quan Thánh thì nổi tiếng về những hàng hoa sữa lâu đời; phố Lò Đúc với 2 hàng sao cao vút...

Việc bảo tồn, quản lý số cây quý này thực sự là một nhiệm vụ không đơn giản. Vẫn theo bà Lan Anh, hiện nay những quy định về cây cổ thụ còn chưa thống nhất. Trong khi Bộ Xây dựng đề ra tiêu chí “cổ thụ là cây trên 50 tuổi”, quy định của ngành văn hóa lại cho rằng cây phải tồn tại hàng trăm năm mới là cổ thụ.

Tiêu chí để bảo tồn cây cũng chưa thật rõ ràng. Thậm chí đến nay cũng chưa có công trình khoa học nào theo dõi hiện trạng “lá phổi” của thủ đô Hà Nội một cách thật cụ thể.

Trong khi đó, Hà Nội chưa “số hóa” hồ sơ cây mà hiện nay chủ yếu vẫn quản lý theo phương pháp thủ công.

Chính vì vậy, việc xác định rõ địa chỉ của các cây cổ thụ cũng như theo dõi “sức khỏe” của cây xanh nói chung còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh những lý do khác như lực lượng bảo vệ mỏng, địa bàn rộng... nên đến khi tình trạng chặt trộm cây sưa xảy ra liên tục hồi năm ngoái, TP mới cho người đi đánh số hàng loạt cây sưa trong độ tuổi có thể khai thác.

Cực chẳng đã, cơ quan chức năng của TP từng phải đề xuất phương án bảo vệ cây sưa theo lối “chặt cây to (để bán đấu giá), gom cây nhỏ về một chỗ” để tiện theo dõi, bảo vệ...

Quản lý cũ, quy hoạch mới

Nói như TS Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đời cây dù dài hàng trăm năm cũng là hữu hạn. Hàng năm, chỉ tính riêng trong nội đô Hà Nội (cũ), Công ty CVCX phải trồng mới gần 1.000 cây xanh để thay thế cho những cây bị sâu mục, chết.

Có điều quy hoạch trồng mới các loại cây cần sớm được xây dựng và triển khai để Hà Nội thực sự là thủ đô xanh, bền vững. Ông Sinh nhấn mạnh, việc trồng cây gì trên từng tuyến phố cần được nghiên cứu kỹ để vừa tạo cảnh quan môi trường đô thị, vừa tạo sự thống nhất quản lý.

Đối với cây trồng trong đô thị, một trong các tiêu chí quan trọng không thể bỏ qua là khả năng chịu ngập. Trên thực tế, hàng loạt cây xanh ở Hà Nội đã bị đổ trong và sau trận lụt lịch sử tháng 11-2008, do bị thối rễ, nền đất lại yếu.

“Để bảo vệ tốt cây xanh cần phải có các biện pháp quản lý khoa học. Cần thiết phải thống kê lại chính xác số lượng, vị trí, đặc điểm của từng cây cổ thụ quan trọng (kèm ảnh) để tiện quản lý. Không chỉ các nước trên thế giới mà một số đô thị khác trong nước cũng đã làm như thế”, ông Sinh khuyến nghị.

Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mà Liên danh PPJ vừa báo cáo lãnh đạo Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội, sẽ có tới 62% diện tích thủ đô là khoảng xanh, bao gồm cây xanh, mặt nước sông hồ... Rõ ràng, cây xanh chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân cũng như làm đẹp đô thị.

Hy vọng tiêu chí này trở thành hiện thực và trong vùng xanh rộng lớn đó, những cây cổ thụ quý – những “điểm nhấn” quan trọng của thủ đô – sẽ được bảo tồn tốt để “kể lại” một cách trực quan, sinh động với các thế hệ sau về những chặng đường hình thành và phát triển thủ đô.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục