Giúp trẻ trở lại nền nếp sinh hoạt và học tập

Trong những ngày tết, học sinh đã có cơ hội thỏa thích vui chơi, tham quan du lịch… Sau tết, một số thói quen xấu hình thành ở không ít học sinh như lười học tập, chống đối cha mẹ; một số học sinh khác bị cha mẹ ép buộc quá mức dẫn đến căng thẳng, rơi vào biểu hiện trầm cảm, xa lánh mọi người, thậm chí bỏ học…

Trong những ngày tết, học sinh đã có cơ hội thỏa thích vui chơi, tham quan du lịch… Sau tết, một số thói quen xấu hình thành ở không ít học sinh như lười học tập, chống đối cha mẹ; một số học sinh khác bị cha mẹ ép buộc quá mức dẫn đến căng thẳng, rơi vào biểu hiện trầm cảm, xa lánh mọi người, thậm chí bỏ học…

Bước vào năm mới, để giúp trẻ giữ được trạng thái cân bằng, thích ứng nhanh với việc học tập, cha mẹ, nhà trường cần có một kế hoạch chủ động cho trẻ trong những ngày đầu năm, bằng những quy định cụ thể về thời gian học tập cũng như các hoạt động vui chơi giải trí. Thường xuyên kiểm soát các hoạt động hàng ngày của trẻ, hướng dẫn trẻ tham gia các trò chơi bổ ích, kết hợp các hoạt động vui chơi hướng vào nội dung học tập, như tham quan viện bảo tàng, hoặc siêu thị sách… Cha mẹ nên tổ chức các buổi đoàn tụ gia đình, thông qua đó gián tiếp giáo dục cho trẻ nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của con cái trong gia đình.
 
Nhà trường cần theo dõi sát các hoạt động của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được thỏa mãn các nhu cầu vui chơi giải trí sau những tiết học. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vào ngày nghỉ, trên cơ sở đó định hướng, giáo dục học sinh nhận thức được các hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đặc biệt, nhà trường nên kết hợp chặt chẽ giữa việc đề xuất các nhiệm vụ học tập vừa tạo điều kiện cho học sinh được thỏa mãn các nhu cầu tinh thần bổ ích, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp học sinh vi phạm, tự do vô kỷ luật…

Các tổ chức xã hội cần chú ý trong việc tổ chức các hoạt động vui vẻ, lành mạnh, tạo điều kiện để trẻ em có cơ hội phát huy những phẩm chất nhân cách cần thiết như tổ chức hoạt động nhóm, các hoạt động từ thiện, các lớp giáo dục kỹ năng sống…, từ đó giúp làm thay đổi những thói quen xấu, hình thành những thói quen hành vi phù hợp. Đặc biệt, tại các địa phương có diễn ra các lễ hội, tổ chức Đoàn TNCS cần chú ý giúp các đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống và đảm bảo ổn định đời sống tinh thần cho các em.

Như vậy, ổn định về sức khỏe, tinh thần, tâm lý cho học sinh sau tết là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội, nhằm giúp trẻ trở về trạng thái cân bằng, tránh được những thói hư tật xấu dễ dàng xâm nhập trong lứa tuổi học đường.

Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG

Tin cùng chuyên mục