Gốc ở tỷ giá

Nguy cơ lạm phát cao đang cận kề đã được nhiều chuyên gia kinh tế cũng như tổ chức tài chính trong và ngoài nước cảnh báo. Theo một số khuyến cáo, dù tốc độ tăng trưởng GDP có thể rất khả quan nhưng tỷ lệ lạm phát của VN trong năm nay có thể ngấp nghé 10%.

Đây là thực tế mà chúng ta phải đối mặt chứ không nên né tránh. CPI của tháng 1-2010 đã tăng 1,36% so với tháng 12-2009 đã tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý và ổn định kinh tế khi mục tiêu kiềm giữ lạm phát cả năm nay mà Quốc  hội đặt ra là 7%. Không dừng lại đó, những tháng tới nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục tăng giá theo kiểu “ảnh hưởng dây chuyền” khi nhiều hàng hóa thuộc dạng đầu vào chủ chốt như điện, nước, xăng dầu… được điều chỉnh tăng. Trong đó có nhiều yếu tố xuất phát từ bên ngoài, nghĩa là chúng ta “nhập khẩu nguy cơ lạm phát”. Ngoài ra, lạm phát cao cũng bắt nguồn từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa của năm 2009, điều này sẽ bộc lộ trong nửa đầu năm nay.

Thông thường, trước nguy cơ lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt để kiểm soát giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Mục tiêu này được thực hiện chủ yếu bằng công cụ lãi suất (huy động và cho vay). Lãi suất tăng cao sẽ hạn chế lưu lượng dòng tiền trên thị trường, hướng nguồn tiền vào hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng thực hiện các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa và các dịch vụ độc quyền, nhất là các hàng hóa và dịch vụ thuộc danh mục nhà nước bình ổn giá. Tất nhiên những chính sách nói trên là cần thiết và có tác dụng không thể phủ nhận trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Tuy nhiên, với hoàn cảnh nước ta hiện nay, những biện pháp trên vẫn chưa đủ và chưa “điểm trúng huyệt” nguy cơ lạm phát.

Với một nước mà tăng trưởng kinh tế phụ thuộc lớn vào giá trị xuất khẩu và hầu hết nguyên liệu cơ bản phục vụ cho sản xuất phải nhập khẩu thì rõ ràng tỷ giá hối đoái là bài toán kinh tế mấu chốt. Vậy tỷ giá như thế nào là hợp lý? Rất khó đưa ra đáp án hoàn hảo. Khi VND được định giá cao so với ngoại tệ thông dụng (ở đây là USD), lĩnh vực nhập khẩu sẽ có lợi do giảm được giá thanh toán; nhờ đó, chi phí sản xuất, áp lực lạm phát và nợ nước ngoài sẽ giảm theo. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu sẽ giảm sức cạnh tranh và sút giảm sản lượng và giá trị, đồng thời nhập siêu sẽ tăng vọt… Ngược lại, việc định giá VND thấp sẽ kích thích xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi nhưng lại gia tăng nguy cơ lạm phát, nợ nước ngoài, chi phí tăng cao, hoạt động đầu tư sản xuất trong nước sút giảm…

Đó là bài toán mà ai cũng thấy nhưng không dễ để có lời giải tối ưu trong điều kiện đặc thù nước ta. Vì vậy, tỷ giá hối đoái cần được xem xét đúng mức vai trò của nó đối với sự phát triển vững chắc của nền kinh tế. Hiển nhiên, không có một tỷ giá lý tưởng cho mọi giai đoạn phát triển mà chỉ có tỷ giá phù hợp với từng thời điểm. Muốn vậy, cần xây dựng tỷ giá trên tinh thần dung hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và tăng cường lợi thế, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của nước ta. Một tỷ giá để tăng trưởng kinh tế tốt, níu giữ tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý và đảm bảo đời sống người dân ổn định là tỷ giá được xác lập trên sự hài hòa giữa yếu tố “bàn tay vô hình” của thị trường và sự điều tiết của nhà nước

TRƯƠNG MẠNH

Tin cùng chuyên mục