Chợ Bà Hoa

Góc xứ Quảng ở Sài Gòn

Khi tôi nói đi chợ Bà Hoa, có người bạn nghe nhầm sang... chợ Bà Hom. Có lẽ, ở Sài Gòn, cái tên chợ Bà Hom phổ biến hơn nhưng đối với những người Sài Gòn gốc Quảng, chợ Bà Hoa cũng là một cái tên rất gần gũi, đặc biệt...
Góc xứ Quảng ở Sài Gòn

Khi tôi nói đi chợ Bà Hoa, có người bạn nghe nhầm sang... chợ Bà Hom. Có lẽ, ở Sài Gòn, cái tên chợ Bà Hom phổ biến hơn nhưng đối với những người Sài Gòn gốc Quảng, chợ Bà Hoa cũng là một cái tên rất gần gũi, đặc biệt...

Góc xứ Quảng ở Sài Gòn ảnh 1

Các món đặc trưng xứ Quảng ở chợ Bà Hoa: mít trộn (ở trên, bên trái), bánh tổ (ở trên, bên phải), bánh rò (ở dưới, bên trái), lòng xào nghệ (ở dưới, bên phải) v.v...
Ảnh: VIỆT QUÊ

Chợ Bà Hoa, đúng tên gọi, do một người phụ nữ tên Hoa bỏ tiền đứng ra cất chợ vào khoảng năm 1967. Theo những tư liệu mà tôi đã được đọc, cũng như dựa theo lời kể của những cây bút “chuyên” về chợ thì chợ Bà Hoa trước kia là một vùng trũng nước thuộc giáo xứ Đắc Lộ.

Bà Hoa không phải người Quảng mà là người miền Nam, bà mua lại mảnh đất trũng này để cất một cái chợ hình chữ nhật, bốn mặt hướng ra bốn phía đường lớn để dễ dàng đi lại, buôn bán. Mục đích của bà Hoa là cất chợ rồi phân lô cho thuê.

Do vùng này có nhiều người Quảng sinh sống nên chợ Bà Hoa dần trở thành một cái chợ chuyên bán các món ăn xứ Quảng. Theo lời kể của một người đã sống gần “một đời chợ” thì chợ Bà Hoa ban đầu có tên là chợ Linh Hoa. Linh là tên người chồng của bà Hoa nhưng sau khi ông này chết, người ta gọi gọn là chợ Bà Hoa. Bà Hoa hiện định cư ở Mỹ, tuổi thất thập cổ lai hy nhưng thỉnh thoảng vẫn còn về ghé thăm chợ, trò chuyện với bà con, nhắc bao kỷ niệm một thời.

Đi chợ Bà Hoa là đi đến hay tìm về một vùng ẩm thực xứ Quảng. Không chỉ thế, cái chợ này còn dắt ta về thế giới của làng xóm cũ với những món ngon tưởng chừng đã xa lắc. Chỉ nói riêng về bánh thì chợ Bà Hoa hiện nay vẫn bày bán hàng ngày những loại bánh đặc trưng xứ Quảng có từ rất xa xưa như: bánh tổ, bánh thuẫn, bánh rò, bánh in, bánh nổ v.v...

Đứng trước hàng bánh Bà Ngất ở chợ Bà Hoa, tôi như đứng trước tủ bánh trong ngôi nhà tuổi thơ vào dịp Tết bởi chỉ vào ngày Tết thì ở nhà quê ngày ấy mới làm đầy đủ các loại bánh trên. Đó là những thứ bánh sang trọng của một thời, không phải vì tiền mà vì để làm ra nó cả nhà phải chuẩn bị cả năm trời và phải tự tay làm. Và, tôi cũng ngạc nhiên thú vị khi thấy ở chợ Bà Hoa có cả đường bát (đường tán) và khoai lang khô. Khoai lang khô nấu chín, bỏ đường bát vào, thêm chút bột mì hoặc “ghế” thêm đậu phộng thì ngon khỏi chê.

Góc xứ Quảng ở Sài Gòn ảnh 2

Người mẹ xứ Quảng đi chợ Bà Hoa mua xôi chè.
Ảnh: VIỆT QUÊ

Bánh đập, bánh đúc, mít non trộn, lòng xào nghệ v.v... đi quanh chợ Bà Hoa thấy món gì cũng thèm. Nhưng có lẽ thèm nhất vẫn là mì Quảng. Theo tôi biết thì chợ Bà Hoa là nơi cung cấp mì Quảng cho hầu hết các hàng quán mì Quảng ngon có tiếng ở Sài Gòn. Đến chợ Bà Hoa hỏi mì Quảng Bốn Thưởng ở khu chữ U đường Phan Sào Nam hay mì Quảng Thanh Hương nằm ngay trong chợ thì ai cũng biết.

Tô mì Quảng giữ được cái nước nhưn nguyên chất là tô mì Quảng ngon. Nhưng, không chỉ có vậy, mì Quảng “mê hoặc” hơn nữa là nhờ quết nhẹ một lớp dầu phộng khử củ nén mà phải là thứ dầu phộng nguyên chất có màu vàng đọt chuối (có bán ở chợ Bà Hoa).

Chị Thanh Hương, chủ quầy mì Quảng còn chỉ tôi thêm một món, đó là củ nén chiên cá chuồn (cũng có bán ở đây). Cá chuồn làm sạch, moi bụng, cho nghệ, ớt vào, sau đó bó bằng lá chuối tươi; lấy dầu phộng nguyên chất khử củ nén, rồi bỏ cá chuồn vào chiên... Cầm chai dầu phộng màu vàng chuối trên tay, nghe mùi thơm của nó, tôi chợt nhớ tới cái thời xa lắc xa lơ ở quê, các anh chàng, cô nàng vào tuổi cặp kê thỉnh thoảng lấy loại dầu phộng này (hoặc dầu dừa) để xức lên đầu, vuốt tóc (!)...

Chợ Bà Hoa nhỏ xíu, đi không mỏi chân nhưng cảm giác đi hoài chưa hết chợ. Theo những người buôn bán ở chợ cho biết thì vào những dịp lễ, ngày Tết chợ rất đông vui. Không chỉ ở khu vực Bảy Hiền mà người miền Trung ở khắp nơi trong thành phố, thậm chí ở các tỉnh lân cận đều về chợ Bà Hoa mua sắm.

Người xứ Quảng thích ăn “mặn mòi, cay điếng” nên món hút hàng nhất là mắm, sau đó đến mì Quảng, bánh tráng v.v... Vào dịp Tết, người ta cũng đến chợ để mua lá bài chòi (hiện nay không còn có ở làng quê) để về chơi, hay mua cát sạch (mang từ quê vào) để thay lư hương v.v...

Tôi đã đi chợ Bà Hoa nhiều lần nhưng thích nhất là đi chợ ngày Tết. Mua sắm đã đành nhưng sướng nhất vẫn là được nghe các bà, các dì, các chị... hồn nhiên trò chuyện đặc sệt giọng Quảng như trong một cái chợ quê. Vui hỉ!!!

TRẦN NHÃ THỤY

Tin cùng chuyên mục