Gồng mình ứng phó thiên tai

Khu vực Tây Nguyên mưa lũ đang gây ra nhiều nguy cơ  mất an toàn đối với người dân. Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở, thời tiết cực đoan vẫn đang diễn biến phức tạp. 

Kịp thời cứu dân vùng mưa lũ

Từ đêm 6 và sáng 7-8 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa lớn, trong đó ở huyện Buôn Đôn và EaSúp bị ngập cục bộ, cô lập nhiều khu vực.

Trên địa bàn huyện EaSúp có các xã: EaRốk, EaYLơi, IaRvê và IaLốp với khoảng gần 30.000 hộ dân bị cô lập, hơn 6.010ha hoa màu bị ngập lụt. Còn tại huyện Buôn Đôn, mưa lớn khiến các xã Ea Huar, EaWer, Krông Na bị thiệt hại nặng. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.  

Ở Lâm Đồng, trong ngày 7-8, mưa lớn kéo dài nhiều giờ xảy ra tại các huyện phía Nam của tỉnh đã khiến hơn 150 căn nhà bị ngập sâu. Tại thôn 1, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, nước ngập gần 1m khiến khu vực bị cô lập nhiều giờ. Thống kê sơ bộ tại xã Tiên Hoàng, có hơn 80 hộ dân có nhà bị nước ngập sâu từ 0,5-1m; 140ha lúa vừa gieo sạ bị nước nhấn chìm. Tại các xã như Quảng Trị, Quốc Oai, Đạ Pal, An Nhơn, Đạ Kho, Mỹ Đức, Triệu Hải, thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) có khoảng 70 căn nhà bị ngập trên 0,5m. Đoạn đèo Con Ó (tỉnh lộ 725 - đoạn qua xã Mỹ Đức) cũng bị sạt lở khiến giao thông trong khu vực bị chia cắt trong nhiều giờ. 

Nỗ lực hàn đê, ngăn sóng biển 

Chiều 7-8, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, qua kiểm tra, trên toàn tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau còn 21 điểm sạt lở, với chiều dài gần 30.258m. Đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên túc trực tại hiện trường, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, hộ đê.

UBND tỉnh Kiên Giang nhận định, những ngày qua dù đang vào mùa mưa bão nhưng mặn xâm nhập trở lại từ hướng Đông Hồ vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Giang Thành và huyện Kiên Lương. Trước diễn biến bất thường này, UBND tỉnh Kiên Giang đã khẩn trương đắp lại đập Hòa Điền để bảo vệ vụ lúa hè thu 2019; ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ gieo sạ vụ lúa thu đông 2019 theo lịch thời vụ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã sửa chữa các cống ngăn mặn ven biển đảm bảo việc vận hành trong mùa mưa bão; chủ động các phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai có thể xảy ra. 

Chiều 7-8, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa ban hành kế hoạch “Ứng phó và khắc phục sạt lở bờ sông đến cuối năm 2019” trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh có 21 xã phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố bị sạt lở; với tổng số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở tới 85 điểm; diện tích sạt lở 19,86ha. Trong năm 2018 và đến tháng 6-2019, các địa phương đã thực hiện di dời 409 hộ bị sạt lở đến nơi an toàn; tổng thiệt hại về vật chất do sạt lở gây ra hơn 43 tỷ đồng.

Áp thấp nhiệt đới hình thành ở biển Đông

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, ngày 7-8, vùng áp thấp ở khu vực giữa biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ít dịch chuyển. Chiều 7-8, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ vĩ Bắc - 117,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới này, gió mùa Tây Nam ở Nam bộ đang được kích hoạt, có cường độ mạnh. Vì vậy, trong đêm 7-8 và ngày 8-8, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực biển Đông (bao gồm vùng biển 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, thời tiết rất xấu.

Tin cùng chuyên mục