Lớp tập huấn sẽ khai giảng vào ngày 4-11, sau đó hoạt động liên tục vào hai ngày mỗi cuối tuần trong suốt tháng 11-2017. Tuy nhiên, vì điều kiện cơ sở vật chất của Hội Sân khấu TPHCM khó khăn, nên lớp tập huấn lần này chỉ tổ chức gói gọn với 30 học viên.
Tham gia vào lớp tập huấn miễn phí, diễn viên trẻ sẽ có những giờ học tập, bổ sung và tích lũy kiến thức nghề, nâng cao chuyên môn các kỹ năng ca - múa - diễn. Trong từng buổi tập huấn, các đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi của lĩnh vực sân khấu thành phố như NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSND - đạo diễn Giang Mạnh Hà, NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng, NSƯT Xuân Hiểu, đạo diễn Hồng Dung… sẽ trực tiếp giảng dạy, truyền đạt những kinh nghiệm nghề đúc kết sau mấy mươi năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Việc Hội Sân khấu TPHCM nỗ lực tổ chức lớp tập huấn cho diễn viên trẻ xuất phát từ thực tiễn đã tồn tại lâu nay: diễn viên trẻ sân khấu cải lương không thiếu, nhưng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và cả tài năng trình diễn sân khấu chuyên nghiệp của các em còn yếu và thiếu. Hiện nay, lực lượng trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn đờn ca tài tử - cải lương mới chỉ dừng lại ở việc phát huy tốt giọng ca trời phú. Hầu hết còn thiếu kỹ năng biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp, thiếu những điều kiện cần thiết để rèn nghề, nhất là trong tình trạng không có sân khấu để tập luyện, biểu diễn thường xuyên, thiếu những vở diễn hay để học hỏi, nâng tay nghề. Thế hệ tác giả trẻ chưa kịp kế nhiệm, tiếp nối thế hệ soạn giả giỏi đi trước; lớp đạo diễn trẻ lĩnh vực sân khấu hiếm hoi và chưa thể tạo được dấu ấn riêng biệt… Lo lắng hơn là khi nhìn vào đội ngũ sinh viên được đào tạo chuyên ngành sân khấu hệ chính quy và đã tốt nghiệp, không có được mấy gương mặt, giọng ca nổi bật, khẳng định được tên tuổi trên con đường làm nghề.
Từ đây cho thấy, vấn đề đào tạo thế hệ nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế thừa của lĩnh vực sân khấu cải lương truyền thống suốt nhiều năm qua vẫn mãi là một khoảng trống khó lấp đầy. Dù bất cứ ai cũng hiểu, nếu lực lượng những người làm nghề, làm nghệ thuật không giỏi, không tốt, không chất lượng, đặc sắc, đương nhiên hoạt động của lĩnh vực nghệ thuật này chắc chắn giảm giá trị, kém thu hút, thiếu sức sống. Cứ thế việc khán giả không quan tâm cũng là lẽ hiển nhiên và tự thân lĩnh vực nghệ thuật này sẽ mai một dần.
Dẫu vậy, thực tiễn cho thấy, vẫn còn những gương mặt trẻ yêu thích loại hình đờn ca tài tử cải lương. Vấn đề được đặt ra là công tác đào tạo nên được tổ chức như thế nào để thu hút những nhân tố có thực tài tôi luyện. Việc đào tạo đội ngũ kế thừa lĩnh vực nghệ thuật này cấp thiết phải được chú trọng nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn là sự quan tâm, đầu tư cụ thể của nhà nước, của cơ quan quản lý văn hóa đối với lĩnh vực sân khấu truyền thống. Cần tạo thêm những điều kiện về vật chất, hỗ trợ về tinh thần cho những nghệ sĩ tâm huyết bám trụ, góp sức giữ nghề, giúp duy trì sức sống của nghệ thuật cải lương tại TPHCM.