Góp ý 3 dự thảo của Chính phủ để phục vụ cho sắp xếp đơn vị hành chính sắp tới

Sáng 24-3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo để góp về 3 dự thảo nghị định để thực hiện trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội thảo. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Dự hội thảo có lãnh đạo sở nội vụ các tỉnh phía Bắc; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 3 nghị định (Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) liên quan đến việc tạo điều kiện cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tới đây.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nếu triển khai các nội dung của nghị định không đồng bộ thì việc tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để tới đây cho việc thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị cũng như Kết luận 48 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn và nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng khẳng định, năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cho nên đây là khối lượng công việc đòi hỏi hết sức khẩn trương, quyết liệt rất cao. Mặc khác phải chuẩn bị đủ các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện. Người đứng đầu ngành nội vụ mong muốn lãnh đạo các sở nội vụ góp ý những kinh nghiệm, thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một nội dung đột phá. Theo đó sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này. “Có những cái chúng ta phải có tư duy ngược lại một chút và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Dịp này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, việc xây dựng 3 nghị định vừa là quán triệt, vừa là thể chế hóa các nghị quyết của Đảng cũng như các bộ luật có liên quan để làm sao các nội dung thảo luận rõ, đạt và thuận lợi khi triển khai thực hiện thực sự khả thi, thiết thực, thúc đẩy cho phát triển chung của đất nước, địa phương, đơn vị và ngành nội vụ.

Ông Nguyễn Quang Dũng tóm tắt về 3 dự thảo nghị định. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ông Nguyễn Quang Dũng tóm tắt về 3 dự thảo nghị định. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trước đó, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng bộ cho biết, quan điểm soạn thảo 3 nghị định là quán triệt đầy đủ các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Quốc hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Đồng thời, cũng kế thừa và phát huy những quy định còn hiệu quả; xử lý khắc phục những bất cập đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền cho địa phương; giảm tối đa thủ tục hành chính và bảo đảm toàn diện, liên thông, đầy đủ các đối tượng; quy định phải cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện.

Đối với dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hiện đang có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Ý kiến thứ hai: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước (kể cả cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).

Đối với dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, hiện đang có 2 phương án để thực hiện.

Phương án 1: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Phương án 2: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1.800.000 đồng (bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1-7-2023). “Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện theo phương án 1 để có chính sách đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ ngay”, ông Lê Quang Dũng nhấn mạnh.

Đối với dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố, đề xuất không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (do đã bố trí Công an chính quy ở xã). Trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã (đối với phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người, đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người) và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định hiện hành (đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), bổ sung quy định tăng thêm số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ở những đơn vị hành chính cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số.

Cụ thể, tại các phường thuộc quận: Cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Các đơn vị hành chính còn lại: Cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.

Nhiều đại biểu cho rằng, khó xây dựng về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; vấn đề này, một số lãnh đạo sở nội vụ cho rằng, địa phương trong khi thực hiện sẽ có nhiều nơi xin ý kiến Trung ương.

Tin cùng chuyên mục