Ghi nhanh của PV SGGP, sáng nay

Gượng dậy sau bão

Bắc Giang: vật vã… hậu lũ, lụt
Gượng dậy sau bão

Tràn qua miền quê nghèo miền Trung trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ sáng ngày 30-9, nhưng với sức gió trên cấp 8, giật cấp 10, bão số 7 đã cuốn trôi và làm chết hàng chục ngư dân, hơn 5.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái... thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Ngay sau khi cơn bão đi qua, PV và CTV của SGGP  đã đến với vùng tâm bão, cảnh tượng tan hoang, đau buồn bao trùm khắp nơi.

Gượng dậy sau bão ảnh 1

Một ngôi nhà ở Quảng Trạch, Quảng Bình bị tốc mái

Bão số 7 đi qua, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (địa phương được xem là tâm của cơn bão số 7) bỗng chốc đã xơ xác tiêu điều. Đặc biệt, người dân phía Tây của tỉnh (thuộc huyện Bố Trạch) đang khóc cạn nước mắt vì hơn 520ha cao su trồng theo dự án xóa đói giảm nghèo trong thời kỳ khai thác đã bị gãy ngã... Hệ thống đường dây điện cao thế, điện thoại đứt gãy la liệt.

Đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua phía Tây tỉnh Quảng Bình, nơi chúng tôi đi qua, cây cối vắt vẻo ngang đường, nhiều chỗ xe không qua được.

Tại xã Tây Trạch, cảnh tượng càng đau lòng hơn. Mới một đêm thức trắng mà ông Nguyễn Văn Đoài suy sụp hẳn, mặt mày hốc hác. Bấy lâu nay ông mừng thầm trong bụng và đinh ninh rằng 3ha cao su đang kỳ lấy mủ sẽ trả được tiền nợ và nuôi 3 đứa con ăn học. Đưa tay vuốt dòng mủ trên một cây cao su to chảy tràn xuống đất, ông nói: “Mới một đêm mà nhà tui mất hết. Không khóc răng được? Cơm áo gạo tiền đây cả, mấy năm trời ròng rã vun vén chừ ra ri đây”.

Theo ước tính ban đầu, bão số 7 đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Bình hơn 87 tỷ đồng, trong đó gần 5.000 ngôi nhà, trường học, công sở bị sập và tốc mái, 31 tàu đánh cá bị chìm và cuốn trôi... Bão đã làm 5 người chết và 9 người mất tích, bị thương.

Gượng dậy sau bão ảnh 2
Nhà cửa của người dân huyện Bố Trạch, Quảng Bình sau bão số 7

Trong khi đó, tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị - địa phương đầu tiên chịu tác động trực tiếp của cơn bão số 7 - sóng biển đã nhấn chìm, cuốn trôi hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ, 5 ngư dân bị mất tích. Đến sáng nay, 1-10, hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn vẫn tê liệt.

Ngay trong cơn bão, UBND tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã triệu tập cuộc họp khẩn gồm các ban ngành, đặc biệt là lực lượng bộ đội, công an, y tế… tổ chức công tác phòng, chống và khắc phục khẩn cấp hậu quả do bão số 7 gây ra.

Sáng nay, 100% học tỉnh Quảng Bình phải đã quay trở lại lớp học. Các đoàn thể đã về địa phương cứu trợ khẩn cấp cho mỗi gia đình có nạn nhân chết trong bão là 3 triệu đồng. Lực lượng bộ đội, biên phòng, công an, dân phòng, thanh niên... đang cùng người dân gắng gượng tìm kiếm những người mất tích, đồng thời, lợp lại nhà cửa bị sập và tốc mái để kịp đương đầu với cơn bão số 8 có khả năng đổ bộ vào miền Trung trong vài ngày tới.

Bắc Giang: vật vã… hậu lũ, lụt
 

Đến nay, ba xã cuối cùng của tỉnh Bắc Giang là Vũ Xá, Huyền Sơn, Trường Giang (huyện Lục Nam) đã thoát khỏi cảnh cô lập hoàn toàn. Song hàng trăm héc ta vải thiều đặc sản tại hai huyện Lục Nam và Lục Ngạn đang có nguy cơ chết hàng loạt do bị ngập nước nhiều ngày.

 Ông Đinh Văn Thủy, một người dân cho biết đến thời điểm này nước đã rút nhưng ngôi nhà của ông vẫn bị ngập. Ông Thủy nói cả đàn heo nái hơn 10 con chỉ trong vòng một đêm đã bị lũ cuốn trôi. Cùng cảnh ngộ là hoàn cảnh của chị Viên Thị Lý. Chị bảo chỉ vì chút chủ quan, lơ là trước “bà thủy” mà phải đánh đổi toàn bộ gia sản. Đến nay gia đình chị vẫn không thể về nhà vì nhà còn ngập sâu đến 50cm. Hiện tại, cả gia đình chị Lý chỉ biết trông chờ vào số hàng cứu trợ.

Cũng như Lục Nam, tại rốn lũ Lục Ngạn - “vựa” vải thiều lớn nhất cả nước - nhiều chủ vườn vải vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ. Đến ngày 30-9, dù các “điểm nóng” ở Lục Ngạn không còn bị cô lập nữa nhưng nhiều chủ vườn vải ở thị trấn Chũ, Nam Dương, Phượng Sơn… vẫn khắc khoải, âu lo về số phận những cây vải hàng chục năm tuổi.

Anh Nguyễn Đình Hưng, chủ vườn vải thiều ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn), người có nhiều năm kinh nghiệm trồng vải, than thở: “Chưa có năm nào lại khổ sở như năm nay. Vụ thu hoạch vải, giá rẻ đến rơi nước mắt, bây giờ thêm đợt lũ, lụt làm cho nhiều chủ vườn ngấp ngoải”.

Được biết, trong lúc các chủ vườn vải vẫn rối như tơ vò, không tìm ra cách giải quyết thì các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang vẫn chưa có biện pháp cụ thể để cứu những gốc vải và hỗ trợ cho người dân. Trước thực trạng đó, nhiều chủ trại chỉ biết nuốt nước đắng, đứng nhìn loại cây đặc sản này chết dần, chết mòn.

Thanh Hóa: Chủ động phòng chống bão lũ

Tỉnh đã chủ động triển khai phương án phòng chống bão lụt trên công trình hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt, dự kiến bắn pháo lệnh tại hai điểm, điều 600 bộ đội, công an tăng cường phối hợp cùng lực lượng tại chỗ sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất thường xảy ra. Mặt khác, tỉnh chuyển thêm 10 tấn gạo cho huyện Mường Lát, chỉ đạo phòng tránh lũ ống, lũ quét, xử lý sạt lở đường giao thông, các điểm dân cư ven sông, suối.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn  Ngọc Thuật đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt, một số tuyến đê xung yếu ở Thọ Xuân, Thiệu Hóa.

Hà Tĩnh: Đưa được tàu trôi dạt trên biển vào bờ

Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến sáng nay, 1-10, 2 tàu của BĐBP Hà Tĩnh đã xác định được vị trí và đưa được tàu HT-2204 của ông Nguyễn Văn Chất (Thạch Kim, Lộc Hà) vào bờ an toàn. Ngày hôm qua, khi đang trên đường vào bờ tránh bão thì con tàu này bị chết máy trôi dạt trên biển và mất liên lạc với đất liền cho đến khi được cứu. Toàn bộ 5 thuyền viên đều an toàn.

Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt 5,4 tỷ đồng

Sáng nay, 1-10, tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV vừa trích quỹ ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, ngập nhà, mất tài sản ở 3 huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh tổng số tiền là 5,4 tỷ đồng, nhằm giúp đồng bào sớm khắc phục khó khăn ổn định sản xuất và đời sống.  


 Nhóm PV


V.Thắng - Phương Hiền


Giám đốc Trung tâm Dự báo KT - TV Trung ương, Bùi Minh Tăng: Bão... giở chứng, dự báo bị “việt vị”

Cơn bão số 7 vừa qua đã bất ngờ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung sớm hơn so với dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương. Sáng nay, 1-10, phóng viên SGGP 12 Giờ đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KT - TV Trung ương xung quanh những dự báo về cơn bão này.

ª Thưa ông, bản tin dự báo ngày 29-9 của Trung tâm Dự báo KT - TV Trung ương nhận định đến sáng ngày 2-10, bão mới có thể đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, đến sáng 30-9 bão đã vào đất liền. Như vậy, công tác dự báo bão “có vấn đề”?

° Đúng là bão đã bất ngờ di chuyển với tốc độ cực nhanh, điều đó khiến cho không chỉ Trung tâm Dự báo KT - TV Trung ương của Việt Nam mà rất nhiều cơ quan dự báo khí tượng - thủy văn ở khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan... cũng bị “việt vị”. Khi dự báo khí tượng, cơ quan khí tượng - thủy văn của Việt Nam đã dựa vào ảnh mây, cường độ gió chụp được qua vệ tinh và các hình thái thời tiết tác động khác kết hợp với các dự báo của các trung tâm khí tượng - thủy văn trong khu vực... để từ đó đưa ra các dự báo sát nhất về thời gian và hướng di chuyển của bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, do bão bất ngờ có tốc độ di chuyển cực nhanh, nên dự báo dài ngày là chưa thật chính xác.

ª Lúc ATNĐ mạnh lên thành bão và hướng vào đất liền Việt Nam, các cơ quan khí tượng - thủy văn khác trong khu vực liệu có theo dõi chặt chẽ hay do kỹ thuật của chúng ta còn hạn chế, thưa ông?

° Không hẳn là như vậy, phương tiện, kỹ thuật dự báo của chúng ta cũng ở mức tương đối, không phải là quá lạc hậu. Các cơ quan khí tượng - thủy văn trong khu vực cũng theo dõi tương đối sát diễn biến của bão số 7. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là do cơn bão bất ngờ di chuyển với tốc độ cực nhanh, nên công tác dự báo không hoàn toàn chính xác ở tất cả các thời điểm.

ª Ông nhìn nhận như thế nào về công tác dự báo của chúng ta?

° Thực ra, khi áp thấp nhiệt đới bắt đầu mạnh lên thành bão số 7, chúng tôi đã tăng thêm cường độ dự báo bão và cứ vài giờ thì bão lại được cập nhật điều chỉnh liên tục. Đúng là sáng ngày 29-9, chúng tôi có dự báo là bão sẽ vào đất liền trong ngày 1 hoặc 2-10. Tuy nhiên, sau khi theo dõi chặt chẽ, thấy bão có chiều hướng di chuyển nhanh, đến đầu giờ chiều ngày 29-9, chúng tôi đã điều chỉnh ngay dự báo của mình và có dự báo bão sẽ đổ bộ vào đất liền lúc trưa hoặc chiều 30-9.

Sáng nay, bão Higos mạnh thêm 2 cấp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương hồi 10g30 sáng nay 1-10, vị trí tâm bão Higos ở vào khoảng 14 độ vĩ Bắc; 122,4 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/g), giật cấp 10. Như vậy, so với chiều tối qua, sáng nay, bão Higos đã mạnh thêm 2 cấp. Do ảnh hưởng của bão từ chiều và đêm nay, khu vực phía Đông biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Biển động rất mạnh.
 
rong 72 giờ tới, bão Higos di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7g ngày 4-10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ Bắc; 111,4 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 90km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117km/g), giật cấp 13.


LÊ VĂN


LÊ VĂN

Tin cùng chuyên mục