Gương sáng người thợ duy tu cống

Khởi đầu i, tờ...
Gương sáng người thợ duy tu cống

TPHCM có rất nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội. Nguyên nhân quan trọng là yếu tố con người – những công dân thành phố với truyền thống năng động, nhiệt huyết, thông minh, sáng tạo. Mới đây, tôi tình cờ nghe kể câu chuyện về một tập thể “lao động nghèo” tự bỏ tiền túi ra để chế tạo, cải tiến những công cụ, thiết bị phục vụ cho công việc. Tò mò, tôi đã đến Đội Duy tu của Công ty Dịch vụ công ích quận 6…

Thiết bị nâng mở nắp hố ga bằng ben thủy lực.

Thiết bị nâng mở nắp hố ga bằng ben thủy lực.

Khởi đầu i, tờ...

15 năm trước, khi thành lập Xí nghiệp Dịch vụ đô thị, tiền thân của Công ty Dịch vụ công ích quận 6, tập thể này được gọi là “lao động nghèo” về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ là những công nhân vệ sinh, công việc của họ là “nạo vét hầm ga, thông cảo bùn lòng cống”, còn người dân thì gọi nôm na là “móc cống”. Họ “nghèo” cả về tri thức (nhiều anh em chỉ mới học cấp 1 hoặc dang dở bậc học cấp 2) lẫn vật chất.

Cuộc mưu sinh khó khăn nên họ phải chọn cho mình cái nghề mà nói như lời của Đội trưởng Đội Duy tu Nguyễn Văn Đẹp là “vừa cực nhọc, vừa độc hại”! Có điều, hầu hết các anh em trong đội đều hiếu học. Khi đơn vị tổ chức lớp bồi dưỡng văn hóa, các công nhân của đội đều sắp xếp đi học ngoài giờ làm.

Từ trình độ khởi điểm khá thấp (có những trường hợp chỉ mới học lớp 1, lớp 2), đến năm 2002, khi công ty kết thúc việc bồi dưỡng văn hóa, 40 công nhân của đội đều tốt nghiệp trung học cơ sở. Những anh em nào muốn học cấp 3, lãnh đạo đội đều tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ 100% kinh phí.

Một số trường hợp còn học tiếp lên bậc trung cấp, cao đẳng. Ví dụ như Huỳnh Ngọc Long, đang học dang dở cấp 2, vào đội làm công nhân. Được đơn vị tạo điều kiện học tập, nay Long đã có trong tay tấm bằng cử nhân ngành cầu đường; tương tự, Nguyễn Thanh Hùng đã lấy được bằng trung cấp ngành điện.

Đến những sáng kiến hữu ích

Ham học hỏi ắt sẽ ham tìm tòi, sáng tạo, sáng kiến đầu tiên của Đội Duy tu là cải tiến xe chở bùn. Xe kéo chở bùn là loại bánh sắt (xe cút kít), khi có bùn phải 3 người mới vận chuyển được. Qua nhiều lần tìm tòi, anh em dùng bánh xe 3 gác để “thí nghiệm” và đã thành công. Kiểu xe mới này không chỉ giúp giảm bớt sự nặng nhọc mà còn tiết kiệm được nhân công, chỉ cần 1 người làm, so với 3 người như trước đây.

“Thừa thắng xông lên”, các công nhân chế tạo giàn cảo bùn di động. Dụng cụ cũ vừa cồng kềnh vừa nặng, khó đưa vào các hẻm nhỏ, phải tháo rời ra khiêng, đến nơi thì ráp lại. Với thiết bị mới nhỏ gọn, anh em chỉ cần xếp lại và mang đi dễ dàng.

Không chỉ cải tiến công cụ, thiết bị cũ cho dễ sử dụng và tăng năng suất lao động, các công nhân Đội Duy tu còn có sáng kiến chế tạo bộ đồ bảo hộ lao động và thiết bị mở, đậy nắp hầm ga bằng ben thủy lực.

Ai cũng biết, nước cống rất độc hại, vậy mà công nhân nạo vét hố ga khi ngâm mình xuống lòng cống chỉ mặc quần đùi vì chưa có bộ đồ bảo hộ lao động cho ngành nghề này. Công nhân bị mắc nhiều bệnh nghề nghiệp do làm việc trong môi trường độc hại.

Ý tưởng “may bộ đồ giống người nhái để nước cống không ngấm vào cơ thể” được cả đội đồng tình. Thế là, những anh chàng tay chân thô ráp cùng nhau ngồi “thiết kế thời trang”, vẽ kiểu bộ áo liền quần, chất liệu là vải giả da simili. Thợ may được “trưng dụng” từ bà xã của các công nhân. Từ khi có bộ đồ bảo hộ, tình trạng mắc các bệnh nghề nghiệp giảm hẵn.

Sáng kiến mà toàn đội tâm đắc nhất đó là giàn nâng mở, đậy nắp hầm ga bằng ben thủy lực. Theo thiết kế hiện nay, mỗi nắp cống nặng khoảng 280 kg, quanh mép nắp và khung hố ga đều bọc sắt. Trong quá trình sử dụng, nước mưa, cát sỏi lọt vào kẽ mép, gây gỉ sắt nên rất khó mở.

Để mở nắp hố ga, 2, 3 công nhân phải sử dụng xà beng, vừa nạy vừa đỡ và dùng sức người để khiêng ra. Khi gặp phải những nắp bị gỉ sét, mất cả buổi cũng không nạy lên được, chỉ còn cách phải đập bỏ, vừa tốn sức vừa lãng phí tiền nhà nước vì phải trang bị lại nắp mới.

Mọi người bàn nhau cần chế tạo một thiết bị vận hành theo nguyên lý nâng lên của con đội dùng trong sửa chữa xe tải. Cái khó nhất là làm sao móc ngàm được vào phía dưới nắp cống để kéo nắp lên. Thử nhiều cách, thất bại nhiều lần, cuối cùng sau gần 1 năm loay hoay, anh em đã thành công. Bây giờ, chỉ cần 1 người thao tác cũng dễ dàng mở được bất kỳ nắp cống “lì lợm” nào.

“Nghe nói, anh em bỏ tiền túi để chế tạo, cải tiến các thiết bị lao động?”, tôi hỏi. Đội phó Huỳnh Ngọc Thanh nói: “Tụi em làm thêm, kiểu như kế hoạch B, thay vì chia nhau xài thì tích lũy tiền lại để sửa chữa, cải tiến thiết bị”. Nhờ những sáng kiến cải tiến, nâng cao năng suất lao động, Đội Duy tu đảm nhiệm khối lượng lớn công việc mà không phải tăng thêm người, qua đó nâng mức thu nhập cho công nhân (bình quân 4 triệu đồng/người/tháng).

Chịu khó học tập, ham tìm tòi, sáng tạo, những “lao động nghèo” của 15 năm trước đang tự “làm giàu” cho bản thân về trình độ văn hóa và cả về điều kiện mưu sinh.

Phong Lan

Tin cùng chuyên mục