Hà Nội: Chợ kết hợp trung tâm thương mại hoạt động kém hiệu quả

Hôm qua 5-7, kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã tiến hành phiên chất vấn.

* Nhiều tỉnh thành ĐBSCL tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

(SGGP). – Hôm qua 5-7, kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã tiến hành phiên chất vấn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đăng đàn trả lời câu hỏi của các đại biểu về chương trình cải tạo xây dựng chợ kết hợp trung tâm thương mại. Theo đó, từ năm 2003 đến nay, TP Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhằm huy động nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành 5 công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại và đưa vào sử dụng 4 công trình gồm: chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chợ Thanh Trì (huyện Thanh Trì). Hiện công trình chợ - trung tâm thương mại 19/12 đang được UBND quận Hoàn Kiếm và chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sửu cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh của loại hình chợ gắn với các dịch vụ nêu trên vẫn còn một số hạn chế, như: hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ truyền thống kém hiệu quả hơn trước, chưa đảm bảo việc kinh doanh ổn định của các tiểu thương trong chợ. Nguyên nhân chủ yếu đó là mô hình hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại còn mới, việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý. Bên cạnh đó, phần lớn người dân ngại gửi xe trước khi vào chợ. Việc xây dựng hạ tầng xung quanh chợ không đồng bộ dẫn đến khó thu hút người dân vào mua sắm (điển hình là chợ Ô Chợ Dừa có quy hoạch đường Kim Liên kéo dài qua chợ đến nay chưa thực hiện)...

Trả lời các câu hỏi về việc thời gian qua trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại rất lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân, đe dọa an toàn tính mạng của người dân, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết, tình hình cháy nổ mặc dù diễn biến phức tạp nhưng đã giảm dần.

Ngày 5-7, kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL gồm Long An, Đồng Tháp và Cần Thơ đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu. Theo đó, Cần Thơ có 5 thành viên HĐND và 8 thành viên UBND được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất với 48/48 phiếu; bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và ông Nguyễn Quang Nghị, Chánh Văn phòng UBND TP Cần Thơ là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 7/48 phiếu.

Tại Long An, kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa VIII đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 12 chức danh. Kết quả, ông Đặng Văn Xướng, Chủ tịch HĐND tỉnh, đạt phiếu tín nhiệm cao cao nhất (đạt 79,66%), kế đến là ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (đạt 74,57%).

Cùng ngày, tại Đồng Tháp, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa VIII tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 14 chức danh do HĐND bầu. Kết quả, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Vĩnh Tân được 55 phiếu tín nhiệm cao, 2 phiếu tín nhiệm, không có phiếu tín nhiệm thấp. Số phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp đối với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan lần lượt là 50; 6; 1. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Hoàng Đức có 45 phiếu tín nhiệm cao, 12 tín nhiệm, không có phiếu tín nhiệm thấp. 11 chức danh còn lại có số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao đạt từ 75,8% (tính trên số lượng đại biểu HĐND tỉnh) trở lên.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục