Hà Tây: Hàng loạt dự án “rã đám”?

Hà Tây: Hàng loạt dự án “rã đám”?

Sau thời kỳ rùm beng, giờ đây hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây, nơi được coi là “Hà Nội tương lai”, lại đang đứng trước nguy cơ “mắc cạn”, “nửa đường đứt gánh”.  Vì sao?

  • Vừa mới lóe lên lại tắt?
Hà Tây: Hàng loạt dự án “rã đám”? ảnh 1
Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài rơi vào cảnh đìu hiu chợ chiều vì không có mặt bằng để thi công tiếp

Cách đây 2-3 tháng, phía Tây Hà Nội nổi lên như một “chảo lửa” khi cơn sốt đất xảy ra, đặc biệt là cuộc đổ bộ của các dự án đầu tư nước ngoài, sau đó lần lượt đến hàng chục nhà đầu tư trong nước liên quan đến các lĩnh vực xây dựng đường giao thông, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí cao cấp, cao ốc văn phòng cho thuê...

Chỉ trong thời gian ngắn, từ một tỉnh bị coi là đội sổ về “tính hấp dẫn”, Hà Tây đã lọt vào danh sách 10 địa phương có mức thu hút đầu tư cao nhất. Nhiều người dân khấp khởi cho rằng, với sức hút như vậy chẳng bao lâu, phía Tây Hà Nội, đặc biệt là khu bao quanh TP Hà Đông hiện nay và dọc trục đường Láng - Hòa Lạc sẽ mọc lên một đô thị hiện đại và sầm uất chẳng thua kém cảnh ở Hồng Công, Thượng Hải.

Đùng một cái, các dự án bỗng rơi vào tình trạng chợ chiều. Hàng chục nhà đầu tư tỏ ra uể oải và mệt mỏi. Đang thi công dở, máy móc, vật liệu đành để phơi giữa công trường. Nhiều nhà thầu gần như hoàn toàn bất động. Một số nhà thầu thì thi công cầm hơi. Nhiều đoạn đường gần thành hình, chỉ chờ rải nhựa nhưng cũng không thể “ráp” lại với nhau bởi vướng các điểm giải phóng mặt bằng (GPMB) tồn tại như những “lô cốt” khó xoay xở. Các dự án khu đô thị mới đã san ủi xong nền nhưng vẫn chưa thể cất lên thành nhà. 

Cách đây 2 tháng, trên công trường dự án tuyến đường phía Bắc TP Hà Đông nườm nượp công nhân, rộn ràng máy móc, thế nhưng bây giờ, “nửa đường đứt gánh”, máy móc, công nhân phải nằm chờ việc cả tháng nay. Đây là một “tiểu dự án” thuộc dự án đường Lê Văn Lương kéo dài có tổng chiều dài 5,7km do Tập đoàn Nam Cường (Nam Định) làm chủ đầu tư theo hình thức đổi đất xây khu đô thị mới Dương Nội để tạo vốn thi công đường. Nhưng bây giờ ngay cả khu đô thị Dương Nội cũng mới chỉ san được vài lô. Còn đoạn đi qua làng La Cả, xã Dương Nội thì còn khoảng 300m chưa thể GPMB. Nhà thầu từng ngày nóng ruột, còn người dân ở đây cứ kéo về cản trở thi công.

Tuyến đường Lê Trọng Tấn cắt ngang, nối trung tâm TP Hà Đông với trục đường Láng - Hòa Lạc cũng rơi vào cảnh như vậy.

Vì sao hàng chục dự án đang hăm hở triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Tây lại bỗng nhiên hụt hơi, kiệt sức? Có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là do “bão giá”. Đây là tình trạng chung trong cả nước hiện nay. Tuy nhiên, ở Hà Tây, nguyên nhân chính là do hàng loạt dự án đang vướng chính sách đền bù, giải tỏa. Thêm nữa, sau khi thông tin cho rằng chính quyền tỉnh Hà Tây “tháo khoán” đất đai cho doanh nghiệp và trung ương sẽ thanh tra để loại ra những dự án không đủ yêu cầu, quy hoạch, nhiều doanh nghiệp đã chùn chân, bỏ cuộc.

Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội theo phương án 1 (sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc và 4 xã huyện Lương Sơn - Hòa Bình) nhưng gần đây lại có nhiều thông tin cho rằng không nên mở rộng  thủ đô Hà Nội đã khiến “chảo lửa” bất động sản ở Hà Tây đột ngột như dội một thùng nước lạnh. “Cú sốc” này đã khiến hàng chục dự án (chủ yếu là xây dựng khu đô thị mới, dịch vụ giải trí) không còn hăm hở như trước nữa. 

  • Chính quyền thờ ơ với “bế tắc”

Theo ông Nguyễn Đình Huệ - Trưởng ban Bồi thường GPMB TP Hà Đông, các nhà thầu đang triển khai các dự án trên địa bàn hiện rất “nóng ruột”, “khát” mặt bằng. Thế nhưng, do vướng mắc về GPMB nên hàng loạt nhà thầu đành phải khoanh tay ngồi chờ từng mét đất. Đại diện Chi nhánh Tập đoàn Nam Cường tại Hà Nội cũng cho biết, họ rất muốn sớm nhận bàn giao mặt bằng để thi công cho kịp tiến độ. Bởi càng chậm trễ càng phải đối mặt với nguy cơ vật liệu xây dựng, nhân công, xăng dầu tăng giá, khó khăn sẽ càng chồng chất. 

Ông Huệ cho biết thêm, tình trạng chung hiện nay ở Hà Tây là người dân liên tục đòi tăng giá đền bù. Để giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho dân, Ban Bồi thường GPMB TP Hà Đông đã kiến nghị UBND tỉnh Hà Tây sớm điều chỉnh giá đền bù đối với công trình, vật kiến trúc.

Tuy nhiên cho đến nay, UBND tỉnh Hà Tây vẫn chưa có sự nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp trên cũng như tìm cách tiếp sức và gỡ rối cho các doanh nghiệp đẩy nhanh dự án, kể cả những dự án quan trọng và có ý nghĩa xã hội lớn như dự án đường Lê Văn Lương kéo dài (giảm quá tải cho Quốc lộ 6 đoạn Hà Đông-Hà Nội), đường Lê Trọng Tấn kéo dài, đặc biệt là hàng loạt khu đô thị mới như Văn Phú, Văn Khê, La Khê, Dương Nội… Bởi vậy, dư luận tỏ ra nghi ngờ, rằng cán bộ lãnh đạo ở Hà Tây hiện đang có tư tưởng “án binh bất động” để chờ hợp nhất về Hà Nội, mà “quên” những khó khăn đang xảy ra trên địa bàn.

Các chuyên gia về quy hoạch tỏ ra lo lắng nói rằng, nếu chính quyền tỉnh Hà Tây không làm tốt chính sách về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng thì nơi đây sẽ lại quay lại thời kỳ bế tắc triền miên như cách đây vài năm trước.

VĂN PHÚC HẬU

 Theo thống kê, vừa qua đã có gần 200 dự án đã và muốn nhảy vào làm ăn ở Hà Tây. Tuy nhiên, đối với những dự án đang khảo sát, hiện nay nhiều nhà đầu tư đang muốn “đánh bài chuồn”. Đối với 26 dự án đang triển khai có diện tích đất phải GPMB hơn 1.000ha (trong đó 80% là kế hoạch năm 2008) với tổng kinh phí cần bồi thường hỗ trợ hơn 2.624 tỷ đồng. Thế nhưng theo Ban Bồi thường GPMB TP Hà Đông, đến giữa tháng 3-2008 vừa qua, mới chi trả được 211 tỷ đồng với diện tích đã bàn giao cho doanh nghiệp là 86 ha. Từ tháng 3-2008 đến nay, tình hình vẫn dậm chân tại chỗ.

Tin cùng chuyên mục