(SGGP).- Sáng 29-5, tại xưởng đóng tàu Lý Cư (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chiếc ĐNa-90444TS, tàu hậu cần nghề cá đầu tiên và lớn nhất miền Trung của tư nhân, được hạ thủy. Khi nghề biển ngày càng khó khăn bởi giá cả leo thang, chiếc tàu này như một “siêu thị di động trên biển” giúp ngư dân miền Trung yên tâm bám biển dài ngày trong cơn bão giá.
Con tàu mơ ước!
9 giờ 30, con tàu ĐNa-90444TS từ từ trượt dài trên thanh ray từ xưởng đóng tàu xuống biển. Tiếng nổ champagne chan hòa tiếng pháo tay chúc mừng. Ngồi trước bánh lái trên ca-bin con tàu đượm mùi gỗ mới, thuyền trưởng Lê Văn Sang (SN 1985, trú tổ 16 phường Thuận Phước, quận Hải Châu) sung sướng như người mới cưới vợ. Không sung sướng sao được khi giấc mơ được ngồi trên con tàu hậu cần lớn nhất miền Trung ra khơi nay đã thành hiện thực. Cả mấy đêm rồi, cha con ông Lê Mến (SN 1960, cha của Sang) chẳng ngủ được. Cứ trằn trọc chờ con tàu hạ thủy như chờ người thân phương xa trở về.
Tờ mờ sáng, anh em, cha mẹ, ông nội và Sang đã có mặt ở đàn (tên gọi xưởng đóng tàu theo cách của ngư dân - PV) để soạn mâm lễ hạ tàu, cùng thợ thuyền kiểm tra toàn bộ máy móc, thân vỏ trước khi hạ thủy. Đối với ngư dân, thời khắc hạ thủy con tàu mới là quan trọng số 1. Thành – bại là ở thời khắc này.
Nhà Lê Văn Sang ở cạnh biển, có 2 con tàu. Một tàu có công suất 90CV, một có công suất 450CV. Bao nhiêu năm lăn lộn bám biển, cha con anh Sang đã trải qua bao gian nguy của nghề nhưng quyết bám biển. Biển đã trở thành máu thịt. Đà Nẵng – Hoàng Sa, chặng đường như cơm bữa. Thời gian ở biển Đông của cha con Sang còn nhiều hơn ở nhà. Nghề biển vốn gian nguy vì bão biển nay lại càng thêm gian khó vì… bão giá.
Đầu năm 2012, cha con Sang nghĩ đến việc phải đóng một con tàu hậu cần lớn để vừa cung ứng xăng dầu, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho hai con tàu xa bờ của mình có dịp bám biển dài ngày, đồng thời đưa hải sản đánh bắt được vào bờ.
Cũng thời điểm này, Đà Nẵng có một con tàu đánh bắt lớn nhất miền Trung với công suất 1.000CV của ông Trần Ban (phường Mân Thái) hạ thủy và bắt đầu chuyến khơi đầu tiên, cha con Sang nghĩ phải đóng con tàu hậu cần lớn để không chỉ “tự cung – tự cấp” cho đội tàu của mình mà còn có thể cung ứng hàng hóa, xăng dầu và thu mua hải sản của hàng chục tàu cá khác.
Cách vượt qua... bão giá
Nghĩ là làm, cha con Sang cứ âm thầm chạy vạy khắp trong họ hàng để gom tiền “đánh trận lớn”. 3 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ nhưng cha con Sang đã xoay được. Và con tàu hậu cần có công suất 1.160CV, tải trọng hơn 160 tấn được bắt tay vào thiết kế, thi công như cuộc thách đố với… bão giá của cha con Sang.
3 tháng ròng rã. Con tàu hậu cần dài là 26,3m, rộng 6m, cao 6m, mớn nước 3,1m được đóng với 95m3 gỗ kiền kiền đã ra hình ra dáng. Tàu có 3 máy, 1 máy chính và 2 máy phụ với tổng công suất 1.160CV có tổng tải trọng là 160 tấn và có thể hoạt động trong gió cấp 7. Tàu chia thành 27 khoang chứa hàng, thể tích chứa 120m³, giữa các khoang được bơm là 17m³ hóa chất PU để giữ độ đông lạnh bảo quản hải sản trong thời gian ở biển.
Ngoài ra, tàu có thể chở khoảng 5.000 - 7.000 lít dầu, 1.200 - 1.500 cây nước đá, 20 tấn lương thực như gạo, mì gói, rau xanh, dầu ăn, thịt… Con tàu được ví là cái “siêu thị di động trên biển”, đủ để cung ứng xăng dầu, thực phẩm, đá ướp cá… cho 30 tàu cá trên biển và thu gom hơn 100 tấn hải sản đưa về đất liền.
Thuyền trưởng Lê Văn Sang tâm sự: “Nhà em có 2 con tàu đánh bắt cùng tổ gồm 4 chiếc. Tuy nhiên, thời gian qua giá cả leo thang dữ quá, phí tổn cho một chuyến đi lớn nên thu nhập của chủ tàu cũng như bạn tàu thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Mình phải đóng tàu lớn để cung ứng dầu máy, thực phẩm thiết yếu cho tàu đánh bắt rồi thu mua hải sản mang về đất liền, vừa tiện vừa lợi, có thời gian nhiều để các tàu đánh bắt vươn khơi bám biển dài ngày”.
Sang cho biết thêm, con tàu đã “ngốn” 3,2 tỷ đồng. Dự kiến ra khơi chuyến đầu tiên vào ngày 7-6 tới với mỗi chuyến đi kéo dài từ 3 đến 6 ngày. Tầm hoạt động của tàu cách đất liền khoảng từ 400 hải lý.
NGUYÊN KHÔI