Cả hai câu chuyện đều liên quan đến ngành giáo dục.
Câu chuyện thứ nhất: Con trai tôi học lớp 6 ở một trường tư thục. Cháu kể chuyện trong kỳ thi học kỳ 2 vừa qua, chỉ có thầy người nước ngoài dạy Anh văn là công bằng. Tôi hỏi vì sao, cháu nói ở những môn thi vấn đáp khác, các thầy cô thường hỏi câu khó với học sinh giỏi, còn những trường hợp học lực kém hơn thì câu hỏi cũng dễ hơn. Lý do, để mọi học sinh đều có điểm cao và số lượng học sinh giỏi cũng theo đó mà tăng lên. Cháu nói: “Thật là bất công khi người chăm học và người lười biếng đều đạt điểm 10 như nhau”.
Câu chuyện thứ hai: Mới đây, tôi đưa con và các cháu đi tắm biển ở Phan Rang. Trên xe, đứa cháu gái, là học sinh giỏi lớp 10 ở một ngôi trường khá tên tuổi của TPHCM – hào hứng kể chuyện các anh chị lớp 12 sau khi thi tốt nghiệp xong thì rủ nhau đốt sách (sách giáo khoa). Một cháu gái khác là học sinh lớp 11 ở Bà Rịa, tỏ vẻ rất thú vị với việc đó, tuyên bố sang năm, khi thi xong thì cháu cũng sẽ rủ bạn bè trong lớp đốt hết sách giáo khoa!
Thú thật, tôi hết sức ngỡ ngàng khi nghe các cháu nói chuyện. Bởi lẽ, tất cả các cháu đều là học sinh khá, giỏi, có hạnh kiểm tốt, chứ không phải là học sinh cá biệt, quậy phá. Những ngôi trường các cháu đang theo học đều có truyền thống về chất lượng giảng dạy và kỷ luật.
Với cương vị phụ huynh, tôi đã giải thích cho các cháu hiểu đó là hành vi không tốt, không nên bắt chước, nhưng ở một góc độ khác, tôi thắc mắc không hiểu vì sao lại có hiện tượng học sinh rủ nhau đốt sách một cách “hào hứng” như thế. Các cháu cho biết đó là một cách thể hiện việc đã trút được gánh nặng tâm lý ám ảnh suốt thời học phổ thông, do áp lực học tập quá lớn. Không biết ngành giáo dục nghĩ gì về hiện tượng này, còn tôi thì cảm thấy đó như một sự phản kháng của các em học sinh đối với việc giảng dạy nhồi nhét để chạy theo thành tích.
Từ hai câu chuyện trên, tôi thấy băn khoăn với một nỗi lo: Đến bao giờ thì việc giảng dạy, học tập của chúng ta mới thoát được căn bệnh thành tích?
VƯƠNG THẢO