Hài hòa lợi ích các bên

Thu hồi đất tiếp tục là một vấn đề gây tranh luận sôi nổi khi Quốc hội thảo luận tại toàn thể về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Trong khi hầu hết các ý kiến đều đồng thuận với quy định về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh thì trường hợp thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại rất nhiều ý kiến trái chiều.

Có ý kiến đề nghị giảm đến mức tối đa việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Có ý kiến đề nghị trong mọi trường hợp phải tránh tình trạng chênh lệch lớn giữa mức giá bồi thường trong một khu vực có sự khi Nhà nước thu hồi đất so với giá nhà đầu tư tự thỏa thuận, gây sự so bì, phát sinh khiếu kiện. Và, kể cả chọn thu hồi thì cũng có 2 quan điểm: giao trực tiếp cho nhà đầu tư hoặc thu hồi rồi mang ra đấu giá. Dự thảo trình Quốc hội thiết kế theo phương án thu hồi rồi mang ra đấu giá.

Vấn đề cốt lõi ở đây là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất và người được giao đất. Để đạt được mục tiêu này thì giá đất phải được xác định sát giá thị trường, để trong trường hợp nào, dù Nhà nước thu hồi hay doanh nghiệp và người có đất tự thỏa thuận, cũng không có sự chênh lệch lớn, gây bất bình như hiện tại. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng đã khẳng định khi trình bày tờ trình về dự luật trước Quốc hội và phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ đại biểu Quốc hội TPHCM (với tư cách đại diện cơ quan soạn thảo).

Thế nhưng, như nhiều đại biểu chỉ rõ, các phương án đều chưa được đánh giá rõ tác động về kinh tế - xã hội; chưa có đầy đủ sở cứ để nhìn rõ ưu, khuyết của từng phương án để đưa ra quyết định. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp nên vẫn còn thời gian để ban soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ tác động của từng phương án, làm cơ sở cho đại biểu xem xét quyết định.

Tin cùng chuyên mục