Hạn, mặn bủa vây ĐBSCL - Nỗi lo thiếu nước ngọt

Hàng ngàn hécta lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, người dân vùng bán đảo Cà Mau “giận nhau” vì người lấy nước mặn “hại” người trồng lúa cần nước ngọt và ngược lại. Ngày 12-3, tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị tìm các giải pháp giải quyết những vấn đề trên.Phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất!

Hàng ngàn hécta lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, người dân vùng bán đảo Cà Mau “giận nhau” vì người lấy nước mặn “hại” người trồng lúa cần nước ngọt và ngược lại. Ngày 12-3, tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị tìm các giải pháp giải quyết những vấn đề trên.

Phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất!

Chỉ điểm qua tại địa bàn Kiên Giang và Cà Mau đã thấy sự “khốc liệt” của khúc dạo đầu khô hạn: 2.000ha lúa mất trắng tại Kiên Giang; Bạc Liêu có gần 6.000ha nuôi tôm bị chết, có nơi tỷ lệ tôm chết lên trên 30%...

“Khoảng 100.000ha lúa đông-xuân ở Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang có nguy cơ ngập mặn” - tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhận định.

Khi mực nước nhiều tuyến kinh kiệt, xuống còn ngang “mắt cá chân” nỗi lo cho vụ sản xuất hè-thu càng lớn! Thống kê sơ bộ để xin “kinh phí” hỗ trợ bơm nước các tỉnh thành ĐBSCL trong vụ hè-thu đang lên tới 550.000ha (tương đương 220 tỷ đồng), chiếm 1/3 diện tích sản xuất lúa.

Các tỉnh, thành trong vùng đã đề xuất nhiều giải pháp đối phó với hạn - mặn hiện nay: xuống đập thời vụ ngăn mặn, xử lý các cống đóng mở hợp lý; nạo vét các tuyến kinh bị cạn kiệt; khuyến cáo người dân xuống giống lúa, thả tôm hợp lý; sử dụng các giống lúa chống chịu mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Một nét đáng chú ý tại hội nghị này là 13 ý kiến phát biểu của lãnh đạo ngành nông nghiệp trong vùng đều kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung và nhanh chóng cấp kinh phí để các địa phương thực hiện các dự án thủy lợi giữ vững sản lượng vựa lúa ĐBSCL! Không ít người tỏ ra quan ngại đến bây giờ mới đề xuất hỗ trợ kinh phí, liệu có triển khai đối phó kịp tình hình khô hạn hiện nay.

Những dự báo đưa ra thật đáng lo: Mực nước trên sông Mekong ở Lào và Campuchia nhiều nơi đã xuống thấp nhất trong lịch sử. Tuyến đường thủy sông Mekong đã ngưng hoạt động. Nếu không có mưa đột xuất, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn từ nay đến tháng 5-2010. “Các địa phương cần có phương án đối phó cho tình hình xấu nhất” - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cảnh báo.

Dân cùng tham gia chống hạn - mặn

Các ý kiến đề xuất của lãnh đạo ngành nông nghiệp trong vùng chủ yếu tập trung: Phải đánh giá lại các hệ thống thủy lợi, từ đó đầu tư căn cơ nâng cấp, cải thiện để chủ động đối phó với hạn mặn. Đáng quan tâm là nhiều vùng ở Cà Mau đã đầu tư “khoan giếng” nay trở nên lãng phí nghiêm trọng vì nước không xài được!

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đề xuất phương án khá mới: “Đề nghị Bộ NN-PTNT cho tỉnh phối hợp với cơ quan nghiên cứu thực hiện dự án trữ nước ngọt trên hệ thống kinh trục”.

Đề xuất này là một ý tưởng mới cũng là hồi chuông cảnh báo về mức độ khốc liệt của hạn - mặn sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai. Đã đến lúc có cái nhìn và giải pháp chiến lược để giữ nước ngọt - được ví như “vàng trắng” trong thế kỷ này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: sắp tới sẽ quy hoạch lại hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL. Trong đó, có tính tới tác động của biến đổi khí hậu bao gồm nước biển dâng và thay đổi chế độ nước, nhiệt và yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia chống hạn - mặn để giữ lúa, giữ tôm và vạt rừng ở các địa phương. 

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục